Sợi thủy tinh là một loại vật liệu vô cơ, không chứa kim loại, được tạo ra bằng cách nung chảy thủy tinh ở nhiệt độ cao rồi kéo thành sợi siêu mỏng. Độ dày của mỗi sợi chỉ khoảng 3 micromet, nhỏ hơn sợi tóc tới 20 lần.
Sợi thủy tinh không gây ung thư nhưng khi tiếp xúc với da, chúng có thể gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy. Nếu hít phải, những sợi nhỏ này có thể mắc kẹt trong phổi, gây ho dai dẳng và tổn thương hệ hô hấp. Dù không nhìn thấy bằng mắt thường, song sợi thuỷ tinh lại có mặt trong rất nhiều vật dụng rất quen thuộc trong cuộc sống.
Sợi thủy tinh ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, các sợi thủy tinh có đường kính nhỏ hơn 3 micromet có thể bị hít sâu vào phổi. Đồng thời, khi tiếp xúc với da thịt cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như:
- Tiếp xúc với da: Da bị đỏ, sưng, ngứa ngáy.
- Kích ứng mắt: Cảm giác như có cát trong mắt.
- Vấn đề về đường hô hấp: Ho, cổ họng khô, thậm chí làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn hoặc viêm phế quản.
Việc tiếp xúc lâu dài hoặc hít phải nồng độ cao của sợi thủy tinh có thể gây thêm những tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể. Vì vậy khi tiếp xúc với các sản phẩm sợi thủy tinh, chúng ta cần đặc biệt chú ý, đặc biệt là đối với những vật dụng bị hư hỏng hoặc cũ kỹ.
7 món đồ thường dùng chứa sợi thủy tinh có trong nhà bạn
Sợi thủy tinh đã "thâm nhập" vào cuộc sống của chúng ta và có thể "ẩn mình" trong những vật dụng mà bạn không ngờ đến. Hãy kiểm tra ngay và cẩn thận khi sử dụng những món đồ sau đây.
1. Đũa hợp kim
Đũa hợp kim được ưa chuộng trong vài năm gần đây nhờ độ bền cao, không mốc, đẹp và dễ vệ sinh. Tuy nhiên, bên trong những chiếc đũa này có chứa sợi thủy tinh. Khi đũa bị hư hỏng hoặc ở nhiệt độ cao, các sợi thủy tinh có thể lộ ra và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tốt nhất bạn vẫn nên sử dụng đũa gỗ hoặc đũa inox để đảm bảo an toàn.
2. Vải chịu nhiệt
Có người đã dùng kéo cắt vải chịu nhiệt để làm bánh. Sau đó khi rửa vải, các khớp tay của anh ta đau nhức giống như bị kim châm dù không nhìn thấy vật thể lạ. Khi kiểm tra kỹ, anh mới nhận ra mình bị các sợi thuỷ tinh đâm phải.
Tóm lại, nếu vải chịu nhiệt bị rách hoặc có nếp nhăn, sợi thủy tinh rất dễ lộ ra ngoài và gây tổn thương.
3. Đồ chơi trẻ em
Sợi thủy tinh cũng xuất hiện trong một số đồ chơi trẻ em vì tính bền và nhẹ của nó. Nếu đồ chơi bị vỡ, sợi thủy tinh dễ đâm vào da trẻ, gây tổn thương. Do đó, cha mẹ nên kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên và xử lý ngay khi phát hiện đồ chơi bị hỏng.
4. Miếng lót nhồi bột
Miếng lót nhồi bột thường sử dụng sợi thủy tinh làm lớp hỗ trợ cấu trúc. Nếu bị hư hỏng, sợi thủy tinh có thể bị lẫn vào bột và vào cơ thể, cũng gây nguy hiểm về lâu về dài. Tốt hơn hết, bạn nên tránh sử dụng loại miếng lót này và chọn silicone nguyên chất thay thế.
5. Thước dây mềm
Một số thước dây mềm chứa sợi thủy tinh. Điều đó lý giải cho trường hợp khi thước dây bị đứt và bạn chạm phải sẽ có cảm giác rất đau và ngứa.
6. Khung dựng lều
Khung dựng lều cũng được làm từ sợi thủy tinh rất bền và dẻo dai, nhưng nếu bị gãy, sợi thủy tinh có thể đâm vào tay. Khi mua lều, bạn nên chọn loại có khung bằng nhôm hoặc kim loại để đảm bảo an toàn.
7. Ô dù
Một người đã từng bị đâm phải tay khi cố gắng sửa lại chiếc ô dù bị gãy vì khung của nó là sợi thủy tinh. Tốt nhất bạn nên chọn những chiếc ô dù có khung bằng nhôm.
Nguồn: post.smzdm