Mỗi khi chuẩn bị mua một món hàng mới toanh, chúng ta thường có thói quen lên mạng "tra" giá cả, các thông số và đặc biệt là xem đánh giá của những người đã sử dụng nó rồi.
Và sự thật thì riêng với phần đánh giá, sản phẩm bị "chấm" 1 sao có thể khiến bạn nhăn mặt và bỏ qua nó ngay tắp lự, trong khi nhiều người cứ thấy 5 sao là rút tiền ra mua không cần suy nghĩ.
Thế nhưng, theo một nghiên cứu gần đây thì đó là một thói quen sai lầm. Đơn giản là vì phần lớn những review online thường quá đơn giản và có thể đánh lừa được người tiêu dùng.
Mua không nhỉ?
Không phải cứ 5 sao là tốt
Một nhóm nghiên cứu từ Oxford đã tiến hành một thí nghiệm để xem người tiêu dùng có quá phụ thuộc vào review để quyết định chất lượng sản phẩm hay không. Họ sử dụng dữ liệu từ 344,157 phản hồi tại trang Amazon, trên 1272 sản phẩm thuộc 120 danh mục.
Đối với mỗi sản phẩm, họ đối chiếu với điểm số khách quan từ Consumer Report – một trang web chuyên đánh giá sản phẩm bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Nhóm cũng thu thập thêm các dữ liệu khác về giá cả, đánh giá thương hiệu tại 2 nguồn bán lẻ khác trong thị trường dành cho hàng second-hand.
Kết quả đã chỉ ra rằng, thông thường những đánh giá của khách hàng gần như luôn lệch với đánh giá của Consumer Report. Ví dụ như thế này, ta có 2 chiếc laptop A và B, người dùng đánh giá A tốt hơn B nhiều hơn 1 sao, thì chỉ có khoảng 2/3 số đánh giá ở Consumer Report đồng ý điều tương tự.
Điều này khác xa với thực tế mà chúng ta thường lầm tưởng, rằng chiếc laptop nào có số điểm cao hơn thì 100% là nó tốt hơn cái còn lại. Hơn nữa, những đánh giá đại trà trên mạng không cho chúng ta cái nhìn khách quan về thị trường đồ second-hand.
Ý các thím là tôi đã lầm suốt thời gian qua sao?
Đánh giá online không phản ánh đúng chất lượng sản phẩm
Có hằng hà sa số lý do khiến các đánh giá đại trà từ người tiêu dùng trở nên không đáng tin. Ngoài những thứ cần thiết (như công dụng, giá tiền, thời hạn sử dụng...), mọi người lại vô tư thêm vào những mục không cần thiết (như ý nghĩa tinh thần, độ phổ biến hay về mặt thẩm mỹ).
Biết nên tin hay không đây?
Một lí do khác, đó là số lượng review là quá nhỏ, chẳng có ý nghĩa gì về mặt thống kê cả. Thật không may, những đánh giá đại trà thường dựa trên số lượng rất nhỏ nhưng lại quá khác nhau.
Ví dụ như thế này, trong bảng dữ liệu tổng hợp của một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng, tỉ lệ người mua để lại review chỉ là 1,5% mà thôi. Nghĩa là 98,5% người có khả năng review sản phẩm đã chọn cách không làm điều đó.
Ngoài ra, phần lớn những review đại trà là những lời "khoe khoang" khi mua được món vừa ý, hoặc là "than thở" khi nó không vừa ý mình. Điều này khiến cho người xem bị phân tán bởi 2 luồng suy nghĩ rõ rệt vì "9 người 10 ý", không biết đâu mà lần.
Một số tổ chức lại cố tình bóp méo sự thật bằng cách tạo ra các đánh giá tốt giả mạo. Theo nghiên cứu này, khoảng 16% số review về nhà hàng tại trang web Yelp là không đáng tin cậy, hoặc thậm chí là giả mạo.
Hãy là một người tiêu dùng thông minh
Chúng ta luôn có một cách để không "sập bẫy" (cả tốt lẫn xấu) của những đánh giá online
Đơn giản thôi, hãy tìm những sản phẩm có điểm số trung bình cao, số lượng review nhiều và ít có sự mâu thuẫn giữa chúng (tức là không có chuyện đang 5 sao lại tụt xuống 1 sao). Hãy tự nhủ rằng bản thân đừng nên quá tin vào những sản phẩm có quá ít lượt review và chúng quá mâu thuẫn với nhau.
Tóm lại, lần tới chuẩn bị mua hàng, hãy cứ vô tư mà bắt đầu với các review đại trà, nhưng bạn phải biết tự cân nhắc đâu là tốt đâu là xấu.