Không khí tại Bắc Bộ ô nhiễm nặng

TTXVN, Theo VTV 14:52 27/02/2022
Chia sẻ

Trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số 197 - mức đỏ, có hại cho sức khỏe.

Lúc 8h ngày 27/2, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận 6 điểm quan trắc ở Bắc Bộ có màu đỏ ở Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Chi Lăng (Lạng Sơn), Trung tâm Quan trắc môi trường (Sông Hiến, Cao Bằng), Trạm quan trắc khí tượng tại Thái Thụy (Thái Bình), Đông Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Đặc biệt, có 1 điểm quan trắc ở mức tím tại UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh), mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ứng dụng quan trắc chỉ số chất lượng không khí của PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận hầu hết các điểm quan trắc không khí ở Bắc Bộ đều màu đỏ và tím, trong đó tập trung nhiều nhất ở Hà Nội. Thậm chí có 1 điểm quan trắc ở mức nâu tại Phú Đông (Ba Vì, Hà Nội), nguy hại cho sức khỏe.

Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận rất nhiều điểm quan trắc ở Bắc Bộ có màu đỏ và tím. Trong đó, 6 điểm quan trắc màu tím tập trung tại Hà Nội và Bắc Ninh gồm GreenID, Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy, Hà Nội); 339 Âu Cơ, Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội); Happy House Garden (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí của ứng dụng AirVisual, trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số 197-mức đỏ, có hại cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi không khí ô nhiễm , nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời. Tốt nhất nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp, người dân nên nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sinh hoạt, thực hiện hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang-khoảng cách-không tập trung-khử khuẩn-khai báo y tế), thường xuyên khử khuẩn ở bề mặt các vật dụng hay tiếp xúc trong nhà.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày