Không được ép buộc học thêm

Dung Hòa, Theo Đại đoàn kết 15:21 26/08/2024
Chia sẻ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Không được ép buộc học thêm- Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư quy định không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Quang Vinh.

Tại dự thảo Thông tư nói trên có 4 chương, 16 điều, trong đó đưa ra quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, mức thu và quản lý tiền học thêm cũng như trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm…

Theo đó, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Cụ thể là những quy định về việc không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Đặc biệt là quy định không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Điểm mới của dự thảo Thông tư là không quy định các trường hợp không được dạy thêm như Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh.

Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn. Hay nói cách khác, những trường hợp này, học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện một cách bắt buộc”. Đó là vấn đề mà ngành GDĐT phải tìm cách quản lý.

Về những điểm mới của dự thảo thông tư như đã nói ở trên, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích: Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định trước đây nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Với dự thảo lần này, Bộ nhận thấy không cần thiết đưa vào nữa, hoặc phải điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp. Do đó, dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành (Thông tư 17). Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Theo ông Thành, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.

Trước đó, năm 2019, Bộ GDĐT công bố Quyết định 2499 điều chỉnh Thông tư 17/2012 và coi đây như một văn bản cấm dạy thêm, học thêm trái phép. Thế nhưng, dạy thêm “được phép” lại là câu chuyện gây tranh cãi bởi ngay Thông tư này quy định còn thiếu rõ ràng.

Tại Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 4/2023, ở lĩnh vực giáo dục, mức chi bình quân 1 năm cho 1 người đi học là 7 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là chi cho việc học thêm chiếm tới 16,6%.

Cho dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản, siết dạy thêm, học thêm, nhưng “cấm” là một chuyện, trên thực tế học sinh vẫn phải bù đầu với các lớp học thêm. Và như thế, cho đến nay, việc dạy thêm mới nhấn mạnh từ “cấm”, thay vì tìm cách “quản”.

Điều này cho thấy dạy thêm, học thêm vẫn đang là hoạt động “chạy ngầm”. Lý do bởi học thêm là nhu cầu, nhưng quan trọng hơn là không ít giáo viên coi đây là nguồn thu nhập chính bổ sung vào đồng lương ít ỏi. Vậy làm thế nào để dạy thêm, học thêm không bị biến tướng, trục lợi, đáp ứng quy luật cung cầu của thị trường và trở thành một hoạt động có ích… vẫn đang là bài toán mà ngành giáo dục loay hoay tìm lời giải. Ngược dòng thời gian, từ năm 2012, quy định về dạy thêm, học thêm đã có và rất rõ ràng trong các văn bản của ngành GDĐT. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình hình vẫn chưa hề được cải thiện.

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GDĐT công bố, xin ý kiến góp ý từ ngày 22/8 đến 22/10. Nếu được thông qua, quy định chính thức có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày