"Không có chỗ cho những bà mẹ" - văn hóa công sở bất công khiến phụ nữ Hàn lâm vào bế tắc, sợ kết hôn và sinh con

Jayden, Theo Helino 00:10 30/11/2019

Khác với những bộ phim hào nhoáng, trên thực tế tại nhiều công ty ở Hàn Quốc, tuổi hưu "bất thành văn" của phụ nữ là 40. Phái đẹp chỉ đi làm khi chưa lập gia đình hoặc chọn cuộc sống độc thân. Điều này kéo theo xu hướng giới trẻ trì hoãn kết hôn, khiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

Ashley Park là một nữ nhân viên có sự nghiệp đầy hứa hẹn trong một công ty dược phẩm Hàn Quốc. Cô sở hữu bảng điểm tuyệt đẹp, Anh ngữ lưu loát và hòa đồng với mọi người xung quanh. Thế nhưng, sếp của cô chẳng muốn nghĩ về những điều ấy nữa khi Park mang thai.

Thời điểm đó là 9 tháng kể từ ngày Park gia nhập công ty. "Họ nói thẳng vào mặt tôi rằng ở đây không có chỗ cho phụ nữ bận bịu con nhỏ, nên hãy nghỉ việc đi" - nữ nhân viên ngậm ngùi kể.

Nhìn quanh mình, Park chợt nhận ra các nữ đồng nghiệp đều chưa hoặc không lập gia đình, và trẻ hơn tuổi 40.

Những công ty không có chỗ cho người mẹ

Trường hợp của Ashley Park cho thấy vì sao phụ nữ Hàn Quốc ngày càng trì hoãn kết hôn và sinh con, kéo theo tỷ lệ sinh của xứ kim chi - vốn thuộc hàng thấp nhất thế giới - nay còn sụt giảm hơn nữa.

Rất nhiều tập đoàn Hàn Quốc từ chối thuê những bà mẹ, nghi ngờ về tâm huyết và nỗ lực đóng góp của họ dành cho công việc. Các ông chủ sợ rằng phụ nữ bận chăm con sẽ không thể dành ra đủ thời gian ở văn phòng, như vậy là không đáp ứng kỳ vọng gắt gao của xã hội Hàn.

Quay lại trường hợp của Park; là một phụ nữ trẻ có học vấn cao và cởi mở trong suy nghĩ, cô đấu tranh để không nghỉ việc. Thế nhưng, vị sếp lại đe dọa sẽ bắt nạt cô, chẳng hạn như loại ra khỏi các cuộc họp và đối xử như một "bóng ma vô hình". Nghiêm trọng hơn, sếp tuyên bố sẽ tìm cách sa thải chồng của Park - người làm chung công ty.

Không có chỗ cho những bà mẹ - văn hóa công sở bất công khiến phụ nữ Hàn lâm vào bế tắc, sợ kết hôn và sinh con - Ảnh 1.

Những người phụ nữ Hàn Quốc vừa bận bịu với công việc gia đình...

Đôi bên giằng co khoảng 6 tháng, rồi Park cũng đành đệ đơn từ chức và sinh con gái vào 1 tháng sau. Nghỉ phụ sản xong, cô làm việc ở một tập đoàn công nghệ vì được cam kết thời gian linh hoạt. Tuy nhiên, mọi thứ không như hứa hẹn, Park lại từ chức và trở thành bà mẹ toàn thời gian cho đến nay.

"Tôi đã học và làm việc vất vả biết bao nhiêu để có được công việc ổn định, giữa lúc tình trạng thất nghiệp cao và cạnh tranh vô cùng khốc liệt... Tôi cũng yêu công việc của mình rất nhiều, và hãy xem điều gì xảy đến với tôi" - Park không kìm được cảm xúc.

Hiện giờ ở tuổi 27, người phụ nữ luôn bị từ chối thẳng trong các buổi phỏng vấn khi tiết lộ đã lên chức mẹ. Vì vậy, Park cũng quyết tâm gạt đi chuyện làm công ăn lương và muốn tự mình khởi nghiệp.

Vậy nhưng nỗi muộn phiền, trăn trở của Park không hề biến mất đi đâu. "Chính phủ luôn nói với phụ nữ rằng hãy sinh con nhiều hơn... Nhưng làm thế nào ở một xã hội như thế này?" - cô đặt vấn đề.

Không có chỗ cho những bà mẹ - văn hóa công sở bất công khiến phụ nữ Hàn lâm vào bế tắc, sợ kết hôn và sinh con - Ảnh 2.

...vừa vất vả tìm chỗ đứng trong xã hội. (Ảnh minh hoạ)

Hậu quả đang diễn ra là tỷ lệ sinh giảm kỷ lục, xã hội già hóa

Cuối tháng 8/2019, Hàn Quốc báo động rằng tỷ lệ sinh của quốc gia giảm xuống mức thấp kỷ lục từ khi được thống kê.

Tỷ lệ sinh là chỉ số cho biết số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sẽ có trong cuộc đời. Năm 2018, tỷ lệ này của người Hàn chỉ là 0,98 - nghĩa là thấp hơn cả mức một phụ nữ có một em bé. Chỉ số năm 2017 là 1,05.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản (quốc gia cũng đau đầu với việc người trẻ "lười" sinh con) là 1,42. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ sinh đạt 1,72 và ở vài nước châu Phi có thể lên tới mức 5 hay 6. Trên lý thuyết, để duy trì dân số ổn định, quốc gia phải đạt tỷ lệ sinh là 2.

Bên cạnh tỷ lệ sinh thấp, năm 2017 cũng chứng kiến tỷ lệ tử tăng vọt ở Hàn Quốc. Ngoài ra dân số đang già hóa. Lần đầu tiên vào năm 2017, số người trên 65 tuổi ở Hàn chiếm tới 13,6% và vượt qua số trẻ em từ 0 đến 14 tuổi.

Không có chỗ cho những bà mẹ - văn hóa công sở bất công khiến phụ nữ Hàn lâm vào bế tắc, sợ kết hôn và sinh con - Ảnh 3.

Cùng với Nhật Bản, xứ sở kim chi đang vật lộn với già hóa dân số, sụt giảm nguồn lực lao động và tỷ lệ sinh thấp. Cả hai quốc gia Đông Á này đều trải qua suy giảm nhân khẩu học từ thập niên 70, và đằng sau đó là các nguyên nhân tương đồng. Có thể kể đến như xã hội đòi hỏi quá cao; lối làm việc lao lực, tăng ca liên tục khiến người ta mất cân bằng giữa công việc với cuộc sống gia đình.

Năm 2018, phần lớn người Hàn trong độ tuổi từ 20 đến 44 là độc thân, theo số liệu của Viện quốc gia về sức khỏe và xã hội (KIHSA). Nhiều người nói rằng bản thân không đủ thời gian, tài chính và cảm xúc để hẹn hò, chứ đừng nói tới hôn nhân.

Sau khi dành hết tuổi thanh xuân để nhồi nhét, luyện thi vào trường đại học và hàng chục bài thi khác, giới trẻ Hàn lại lao vào một thị trường việc làm khắc nghiệt, tỷ lệ thất nghiệp cao... Tất thảy vấn đề khiến họ mệt mỏi đến gục ngã.

"Tôi nghĩ rằng việc đưa một đứa trẻ tới cuộc đời này là một tội lỗi" - trích suy nghĩ của một phụ nữ 34 tuổi cho biết với AFP. "Xã hội Hàn đang cạnh tranh quá khốc liệt, tôi không muốn thêm một đứa trẻ nào phải rơi vào hệ thống này".

Rất nhiều tiền đã bỏ ra nhưng gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết, phụ nữ vẫn bị đối xử bất công

Từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã chi 136 nghìn tỷ Won (hơn 267 nghìn tỷ đồng) để cải thiện tỷ lệ sinh, thông qua các chính sách như khuyến khích giới trẻ kết hôn và sinh con, nhưng chưa đạt hiệu quả đáng kể.

Năm ngoái, chính phủ lại đưa ra nhiều biện pháp khác - bao gồm nâng mức trợ cấp sinh con lên 300 nghìn Won/tháng (gần 5,9 triệu đồng), đồng thời cho phép bố mẹ làm việc ít hơn 1 giờ/ngày để chăm sóc con nhỏ. Ngoài ra sẽ có nhiều trường mẫu giáo được xây thêm. Và các ông bố có thể nghỉ phép 10 ngày khi vợ sinh con, thay vì 3 ngày như trước đây.

Không có chỗ cho những bà mẹ - văn hóa công sở bất công khiến phụ nữ Hàn lâm vào bế tắc, sợ kết hôn và sinh con - Ảnh 4.

Nhiều biện pháp được đưa ra, nhưng người trẻ xứ kim chi ngày càng lựa chọn cuộc sống không hôn nhân, không sinh con. Phụ nữ độc thân sẽ ít bị đối xử bất công ở nơi làm việc, hay ít ra là họ hi vọng như thế.

Thế nhưng, hầu hết chính sách bị chỉ trích là chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề. "Chính phủ đang tính toán khá đơn giản, cho rằng chỉ cần đưa thêm tiền, người dân sẽ muốn sinh con nhiều hơn" - Hiệp hội lao động nữ Hàn Quốc lên tiếng. Tổ chức này cho rằng, điều quan trọng là phải tạo ra môi trường làm việc không còn tình trạng "trọng nam khinh nữ và gây khó khăn gấp đôi cho phụ nữ khi yêu cầu đảm trách tốt công việc ở cả văn phòng lẫn ở nhà".

"Trừ khi những điều kiện ngặt nghèo với lao động nữ thay đổi, thì không khoản trợ cấp nào có thể thuyết phục phụ nữ Hàn Quốc vui vẻ sinh con" - Hiệp hội nói với tờ AFP.

(Theo AFP, CNN)