Không chỉ là lời nói sáo rỗng, giờ chúng ta có hẳn một công thức toán học về hạnh phúc

Phương Nga, Theo Helino 07:59 15/03/2018

Bạn nghĩ sao khi mức độ hạnh phúc cũng có thể tính ra một cách chính xác bằng con số, như thể bạn tính xem tháng này mình đã tiêu bao nhiêu vào việc mua sắm chẳng hạn?

Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng. Nhiều khi chính bạn cũng không biết bản thân mình hạnh phúc đến mức nào đúng không? Thế mà các nhà khoa học đại tài đã tìm ra một công cụ có thể giúp các bạn tính toán ra mức độ hạnh phúc của mình đấy! Không hề đùa đâu nhé!

Không chỉ là lời nói sáo rỗng, giờ chúng ta có hẳn một công thức toán học về hạnh phúc - Ảnh 1.

Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu tại ĐH London thực sự đã tạo ra được một phương trình toán học, có thể tiên đoán chính xác hạnh phúc của hơn 18.000 người.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tập hợp 26 người để tham gia một số nhiệm vụ liên quan đến việc đưa ra các quyết định. Các quyết định này của họ sẽ dẫn đến việc họ sẽ mất hoặc được thêm tiền. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ MRI để đo hoạt động của não của từng người, và hỏi họ nhiều lần rằng "Hiện tại bạn thấy hạnh phúc như thế nào?". 

Dựa vào các dữ liệu thu thập được từ thí nghiệm đầu tiên, một phương trình toán học đã được tạo ra, cho thấy mối liên hệ giữa mức độ hạnh phúc mà họ tự cảm nhận với các số tiền nhận được và kì vọng gần đây của họ.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách mời hơn 18.000 người chơi một trò chơi trên điện thoại. Họ nhận thấy rằng phương trình của họ cũng dự đoán mức độ hạnh phúc của người chơi ở mức độ rất chính xác.

Không chỉ là lời nói sáo rỗng, giờ chúng ta có hẳn một công thức toán học về hạnh phúc - Ảnh 2.

Việc các phần thưởng có ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ngay cả những kỳ vọng cũng tác động đến cảm giác này, và nó khiến giới khoa học phải giật mình.

Nếu bạn có kỳ vọng thấp, bạn sẽ không bao giờ thất vọng, nhưng cảm giác hạnh phúc của bạn cũng không hề lớn. 

Ngược lại, kỳ vọng càng cao thì khi đạt được, bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn.

Nhưng không chỉ có kỳ vọng và phần thưởng là giúp chúng ta hạnh phúc

Gần đây, phương trình này đã được cập nhật, bổ sung thêm nhiều yếu tố xã hội. Nếu như nghiên cứu trước đây đề cao phần thưởng và kì vọng, thì phương trình mới được đăng tải trên tạp chí Nature Communications còn chỉ ra thêm một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là sự bất bình đẳng.

Nhóm các nhà nghiên cứu trên đã bổ sung, hoàn thiện phương trình toán học này, có tính đến nhiều biến số như kỳ vọng, rủi ro, khen thưởng và tội lỗi. Và giờ đây phương trình đó trông thế này đây:

Không chỉ là lời nói sáo rỗng, giờ chúng ta có hẳn một công thức toán học về hạnh phúc - Ảnh 3.

Họ đã tiếp tục thí nghiệm với 47 tình nguyện viên không hề quen biết nhau. Các tình nguyện viên này được chia thành nhiều nhóm nhỏ và cá cược với nhau. Khi kết thúc, họ sẽ được thông báo là người kia thắng hay thua.

Trong thử nghiệm kế tiếp, các đối tượng được hỏi rằng họ muốn chia một khoản tiền với người mà họ vừa gặp như thế nào. Trong suốt cuộc thử nghiệm, người tham gia cũng được yêu cầu trả lời về mức độ hài lòng của mình ở từng thời điểm.

Kết quả, họ tìm ra một số tương quan rất thú vị. Những người bị thua cược cảm thấy ít hạnh phúc hơn khi đối phương thắng, có thể là do ghen tị. Nhưng đồng thời, những người đã giành chiến thắng cũng không thấy hạnh phúc quá nhiều khi đối tác của họ bị thua, có thể là do cảm giác tội lỗi.

Kết quả cược ảnh hưởng đến mức độ hào phóng của họ trong việc chia tiền sau đó. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán được một người sẽ hào phóng như thế nào - và họ cảm thấy hạnh phúc như thế nào - bằng cách đánh số từ các cuộc cá cược. Cuối cùng, họ tìm ra điểm mấu chốt: Bất bình đẳng làm giảm hạnh phúc.

Đồng tác giả của phương trình - ông Robb Rutledge, đã nói trên trang UCL: "Phương trình của chúng tôi có thể dự đoán chính xác mức độ hạnh phúc của một người, không chỉ dựa vào những gì xảy ra với họ, mà còn dựa theo những người xung quanh họ nữa." 

"Thường thì chúng ta cảm thấy ít hạnh phúc hơn nếu những người khác có được nhiều hơn hoặc ít hơn chúng ta."

Việc các nhà nghiên cứu có thể dự đoán chính xác mức độ hạnh phúc là rất đáng chú ý, nhưng những biến số trong phương trình thậm chí còn tuyệt vời và đáng ngạc nhiên hơn. Đó là kỳ vọng, là những gì sẽ đạt được, và là sự bất bình đẳng.

Chúng ta có thể dựa vào đó để biết được mình cần làm gì để cảm thấy hạnh phúc hơn, phải không nào!

Nguồn: The Conversion