Tại Mỹ, trong ngày 8/4 vừa qua, "nhật thực" là chủ đề đón nhận được sự quan tâm lớn nhất. Trên YouTube, bạn có thể tìm thấy hàng loạt các video livestream nhật thực đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cùng một lúc. Tuy nhiên, một số buổi livestream với lượng người xem phổ biến nhất lại là một hình thức lừa đảo.
Trong ngày hôm qua, YouTube đã tràn ngập các buổi livestream từ các kênh giả mạo SpaceX với bài phát biểu được tạo bởi AI của Elon Musk. Mục đích của những buổi livestream này là để lừa đảo tiền điện tử.
Những buổi livestream đều có chung một kịch bản, đó là đoạn video của Elon Musk đứng cạnh biển hiệu SpaceX nói chuyện trước đám đông được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, video có giọng nói giả của Elon Musk được tạo bởi AI, thông báo cho người xem về một cơ hội đầu tư tiền điện tử.
Một đoạn video livestream lừa đảo dưới dạng sự kiện SpaceX
Được chèn vào trên video là một mã QR với dòng chữ "Nhật thực 2024 - Thay đổi cuộc sống của bạn" và kêu gọi người xem quét mã. Mã này đưa người dùng đến một trang web nơi họ có thể "đầu tư" tiền điện tử. Đương nhiên, đây là một phi vụ lừa đảo không hơn không kém, và người dùng sẽ chẳng nhận lại gì sau khoản "đầu tư" của mình.
Website lừa đảo kêu gọi người dùng đầu tư tiền điện tử
"Nhật thực toàn phần 2024: Qua cái nhìn của SpaceX" là tiêu đề của một trong những buổi livestream giả mạo của SpaceX, có những thời điểm đã có hơn 210.000 lượt xem cùng một lúc. Tương tự, một video livestream khác với tiêu đề "Trực tiếp: Nhật thực ngoạn mục 2024 của SpaceX" cũng thu hút gần 100.000 lượt xem.
Livestream lừa đảo không phải là vấn nạn xa lạ trên YouTube. Sự phổ biến của chúng trong suốt thời gian qua cho thấy đây là một phương thức lừa đảo hiệu quả. Thực tế, vài năm trước, Steve Wozniak đã kiện YouTube về việc lan truyền các video tương tự với việc mạo danh đồng sáng lập Apple để quảng bá cho các vụ lừa đảo Bitcoin.
Như đã đề cập trước đó, nhiều kênh mà những kẻ lừa đảo sử dụng có hàng trăm nghìn người đăng ký. Đây thực chất không phải là các kênh do kẻ lừa đảo xây dựng, mà là các kênh có sẵn và đã bị thay đổi tên, cũng như hình ảnh đại diện để trở nên giống SpaceX.
Một kênh YouTube bị hacker đổi tên, hình ảnh đại diện và các thông tin liên quan để giả mạo SpaceX
Các kẻ lừa đảo thường sử dụng các kênh hoặc tài khoản bị YouTube đánh cắp hoặc mua trên thị trường tài khoản "chợ đen". Phùng Thanh Độ (Độ Mixi) là một trong số những YouTuber/streamer tại Việt Nam đã bị hacker chiếm quyền kiểm soát kênh YouTube trong đợt tấn công ngày nhật thực vừa qua. Trước đây, nhiều kênh YouTube như FapTV, Trấn Thành, Phúc Du, Hồ Quang Hiếu, Lynk Lee, Lý Hải... cũng đã gặp hình thức tương tự.
Điều đáng nói là kênh YouTube của Độ Mixi mới chỉ bị hack cách đây chỉ vài ngày trước, cũng là để livestream tiền điện tử. Ngay sau đó, nhờ sự hợp tác với Google, kênh YouTube MixiGaming của Độ Mixi đã được khôi phục trở lại. Lý do khiến cho streamer này tiếp tục bị hack trong ngày 9/4 vừa qua vẫn còn là một bí ẩn.