Không chỉ Delta, thế giới cần học cách sống chung với những biến chủng khác

Thế giới hôm nay, Theo VTV 09:33 29/06/2021

Việc chú ý quá mức vào 1 biến chủng chỉ khiến ngọn lửa sợ hãi gia tăng. Các cộng đồng cần vượt qua nỗi sợ về COVID-19 để có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Biến chủng Delta đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của thế giới

Tại Singapore, chính phủ nước này đang hoàn thiện kế hoạch nhằm cho phép đất nước sống bình thường giữa COVID-19. Họ cho rằng không chỉ biến thể Delta , mà chúng ta sẽ phải thích nghi và học cách sống chung với những biến chủng khác sẽ xuất hiện trong tương lai.

Dù là ở nước đã kiểm soát tốt dịch, hay những nước vốn đang chật vật đối phó với đại dịch, biến thể Delta đang trở thành mối đe dọa lớn. Theo WHO, biến chủng Delta đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự lây lan của biến thể này đẩy số ca nhiễm mới ở một loạt các nước tăng cao kỷ lục, nhưng lại trong thời gian rất ngắn.

Từ London tới New York hay Bangkok, biến chủng Delta đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của thế giới. Chính phủ Anh đã hoãn kế hoạch mở cửa hoàn toàn tới giữa tháng 7 từ sau đợt bùng phát mạnh bắt đầu hồi cuối tháng 5. Biến chủng Delta giờ đây chiếm tới 99% số ca nhiễm mới ở nước này.

Cách đây vài ngày, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu ước tính, đến cuối tháng 8, biến chủng này sẽ chiếm trên 90% ca COVID-19 mới của cả châu lục.

Không chỉ Delta, thế giới cần học cách sống chung với những biến chủng khác - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mississauga, Ontario, Canada (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ 1 tuần trước, viễn cảnh không COVID hiển hiện trên các con phố ở Australia, nhưng nay, thành phố Sydney bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt trong 2 tuần. Một cuộc họp khẩn được Thủ tướng Scott Morrison chủ trì vì lần đầu tiên trong nhiều tháng, số ca nhiễm mới đột ngột gia tăng cùng lúc ở nhiều địa điểm trên cả nước. Yếu tố lây lan dịch được xác định là biến thể Delta.

Tại Đông Nam Á, biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách buộc phải kéo dài ở nhiều nước khi số ca mắc mới trong 1 ngày ở Malaysia hay Indonesia nhảy lên mức 4 đến 5 chữ số. Biến chủng Delta có khả năng lây truyền cao, nhưng giới chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về mối đe dọa thực sự nó gây ra, cũng như tác động của virus với những nhóm người đã tiêm chủng.

Tại Anh, nước có khoảng 70% dân số đã tiêm vaccine, tỷ lệ tử vong không có nhiều biến động, dù số ca nhiễm mới tăng lên mức hơn 15.000 trường hợp mỗi ngày. Nhưng ở Nga, hai điểm nóng dịch COVID-19 là thành phố Moscow và Saint Petersburg ngày 28/6 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay.

Nỗ lực dập dịch hay chọn cách sống chung với virus?

Không chỉ Delta, thế giới cần học cách sống chung với những biến chủng khác - Ảnh 2.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha (Ảnh: THX/TTXVN)

Những biến chủng mới như Delta xuất hiện, càng cho thấy nhu cầu cấp bách của việc tăng cường tiêm chủng. Tuy nhiên vào thời điểm sắp chạm mốc 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành, biến thể Delta một lần nữa đặt các nước giữa hai lựa chọn: duy trì nỗ lực dập dịch tối đa, sạch bóng COVID hay chiến lược sống chung với virus.

Từ 28/6, người dân Italy có thể thoải mái đi lại ngoài đường mà không phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang - một thói quen phòng dịch đơn giản mà giờ cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau ở nước này. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ khẩu trang ở thời điểm này, khi đã xuất hiện biến chủng Delta. Ở cấp độ quốc gia, mức độ lây lan toàn cầu nhanh chóng của biến chủng Delta đặt các nước trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục phong tỏa, hoặc chấp nhận sống chung với lũ.

Ở châu Âu hay Israel, nơi đã có một nửa hoặc hơn nửa dân số trưởng thành tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, hầu hết đều đang tiến hành mở cửa trở lại.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói: "Hiện tại thì không cần phải hoảng sợ, tình hình hiện nay vẫn ổn. Chúng ta sẽ siết chặt biên giới và trong phạm vi đất nước, chúng ta có thể dừng vấn đề này lại để có thể tiếp tục cuộc sống".

Một số chuyên gia cảnh báo, dù tỷ lệ tiêm chủng cao giúp kéo giảm số ca tử vong vì COVID-19, thì khả năng lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta dễ làm tan giấc mộng "mùa hè ăn mừng" ở châu Âu. Số liệu về ca mắc mới COVID-19 ở một loạt nước như Anh, Đức,... đang trên đà tăng trở lại mức cao như hồi đầu năm.

Không chỉ Delta, thế giới cần học cách sống chung với những biến chủng khác - Ảnh 3.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị vaccine Pfizer/BioNTech tại sân vận động Noevir, Kobe, Nhật Bản ngày 12/6/2021 (Ảnh: Reuters)

Châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại nặng nề vì đóng cửa biên giới

Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức khá thấp, làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Delta tiếp tục củng cố sự thận trọng của các nền kinh tế áp dụng chiến lược "dập dịch" dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Như ở Australia, Chính phủ cho biết, biên giới chỉ có thể được mở lại ít nhất là tới giữa năm 2022. Hiện nay, bất kì khi nào phát hiện 1 ổ dịch mới, lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng tức thì.

Bà Ruth Camacho - Người dân Bồ Đào Nha nói: "Chính phủ buộc phải có các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ người dân, dù là biện pháp gì thì cũng luôn bất lợi cho một vài người, nhưng lại tốt cho tất cả mọi người. Vì thế, nếu nó ảnh hưởng tiêu cực tới 1 triệu người để bảo vệ 100 triệu người thì rất đáng".

Dù được ghi nhận là ngăn chặn virus hiệu quả, việc đóng cửa biên giới trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch đứng trên bờ vực kiệt quệ.

Khảo sát đăng trên Bloomberg cho rằng, hầu hết những nền kinh tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương khó trở lại mức tăng trưởng tiền đại dịch trước năm 2023. Nhưng có mở cửa biên giới để phát triển kinh tế hay không sẽ phải dựa trên tổng hợp của cả 3 yếu tố: khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả, năng lực y tế, xét nghiệm và tỷ lệ tiêm chủng.

Đến nay, với COVID-19 dường như không có phương án nào là có hiệu quả tuyệt đối. Tất cả đều như một phép thử, giống như vaccine vậy, cần được lựa chọn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng nước.