Khả năng lây truyền của các biến thể virus
Các chuyên gia y tế đang đưa ra cảnh báo về biến thể Delta có khả năng lây truyền cao và gây tử vong cao hơn bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào khác đã xuất hiện cho tới nay. Biến thể Delta đang làm cuộc chiến chống đại dịch trở nên gian nan hơn khi khiến số ca mắc Covid-19 ở nhiều nước gia tăng.
Tuy nhiên, các biến thể mới có gây ra rủi ro đáng kể hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Các nhà virus học lo ngại rằng, việc hiểu nhầm các biến thể và rủi ro mà chúng gây ra có thể dẫn tới sự hỗn loạn và hoang mang đối với người dân.
Khi virus SARS-CoV-2 lây lan trên toàn cầu, bộ gen của nó đã đột biến đúng như quá trình phát triển của bất kỳ loại virus nào. Những đột biến này có thể ảnh hưởng đến “độ mạnh” và khả năng lây lan của virus. Một số đột biến có thể làm suy yếu virus nhưng một số đột biến khác sẽ làm virus trở nên mạnh hơn.
Khi một biến thể của virus trở nên mạnh hơn, nó sẽ cạnh tranh với các biến thể yếu hơn, và Delta không phải là biến thể đầu tiên đánh bại các phiên bản virus trước đó. Trước đó, có biến thể Alpha từng thống trị ở Anh và biến thể Gamma chiếm ưu thế ở Brazil. Việc xuất hiện các biến thể không phải là điều xảy ra đối với duy nhất virus SARS-CoV-2.
Việc một biến thể thay thế một biến thể khác không đồng nghĩa với việc nó có khả năng lây lan nhanh hơn và gây tử vong cao hơn cho những người mắc bệnh. Theo NY Times, trong 1 năm rưỡi qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hành động của con người đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ biến thể nào trong việc định hình diễn biến của đại dịch.
Virus SARS-CoV-2 đột biến lây lan theo nhiều cách. Mặc dù các nhà khoa học tập trung nghiên cứu những thay đổi trong các protein đột biến của virus, virus cũng có thể duy trì những thay đổi trong các protein khác. Những thay đổi như vậy có thể cho phép virus nhân bản dễ dàng hơn hoặc né tránh hệ thống miễn dịch. Chúng thậm chí có thể cho phép virus tồn tại lâu hơn trong hốc mũi của con người.
Việc xác định tác động của một loại virus đột biến đòi hỏi phải có những nghiên cứu quan trọng trong phòng thí nghiệm. Đôi khi, kết luận ban đầu về một biến thể có thể không chính xác. Khi biến thể D614G xuất hiện vào năm 2020, một số nhà khoa học tin rằng những thay đổi đối với protein đột biến của virus khiến virus dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó cho thấy không phải như vậy. Mỗi khi có sự thay đổi trong protein đột biến được xác định, nhiều chuyên gia cho rằng biến thể này có độc lực cao hơn và “đáng lo ngại”. Nhưng liệu một biến thể bất kỳ có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây ra tình trạng bệnh nặng hơn hay không vẫn là điều chưa được kiểm chứng nghiêm ngặt.
Hành động của con người thay đổi diễn biến Covid-19 như thế nào?
Hiện tại, các kết luận về khả năng lây truyền của biến thể phần lớn được căn cứ vào mức độ lan rộng của biến thể. Một biến thể có thể được coi là dễ lây lan hơn khi nó chiếm tỷ lệ cao hơn trong số các ca mắc bệnh mới. Delta hiện là biến thể phổ biến nhất ở Ấn Độ và Anh, chiếm hơn 90% các số mắc Covid-19 mới và hơn 20% các ca nhiễm virus mới ở Mỹ. Nhưng không phải tất cả các nhà virus học đều đồng ý rằng số liệu thống kê như vậy là đủ để tuyên bố một biến thể là dễ lây lan hơn. Chỉ có một điều rõ ràng là Delta có thể là biến thể đang “vượt trội” vào thời điểm hiện tại.
Để xác định sự gia tăng khả năng lây lan và khả năng virus lan truyền từ người này sang người khác, cần có nhiều nghiên cứu hơn là con số thống kê tỷ lệ lây nhiễm.
Theo NY Times, những thay đổi trong hoạt động của con người góp phần làm gia tăng số ca mắc bệnh, chẳng hạn như việc di chuyển, không đeo khẩu trang, không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và điều quan trọng nhất hiện nay là không tiêm chủng đủ liều. Những điều này thường không được xem xét trong các cuộc thảo luận về các biến thể.
Số ca mắc Covid-19 cao đột biến ở Ấn Độ, Nigeria và những quốc gia khác không hoàn toàn do khả năng lây lan của một biến thể mà phần lớn do người dân lơ là các biện pháp phòng dịch, dân số đông đúc và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Nếu người dân ở trong tình huống có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, có thể họ sẽ nhiễm biến thể đang lây lan nhiều nhất trong khu vực. Hiện tại, ở nhiều quốc gia, biến thể đang chiếm “thế thượng phong"” nhất là Delta.
Điều quan trọng là những người nhiễm biến thể SARS-CoV-2 sẽ không hoàn toàn phát triển tình trạng bệnh nặng hơn hoặc có nguy cơ tử vong cao hơn. Bên cạnh đó, điều cần thiết là người dân cần phải tiêm vaccine Covid-19.
Các loại vaccine Covid-19 đã được phát triển có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và tử vong do tất cả các biến thể gây ra, bao gồm cả biến thể Delta. Mặc dù vậy, không phải lúc nào vaccine cũng có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm, nhưng chúng có tác động đáng kể trong việc giảm sự lây lan của virus và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2.
Trong đại dịch, mọi người muốn có câu trả lời ngay lập tức cho câu hỏi các biến thể nguy hiểm như thế nào? Việc cung cấp câu trả lời chính xác có thể đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu. Hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 đang trên một quỹ đạo liên tục của việc gia tăng khả năng lây truyền và độc lực. Theo NY Times, hiện tại vaccine Covid-19 vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chấm dứt đại dịch.