Không ai có thể tự nuốt lưỡi và cách xử lý nên làm khi có người lên cơn co giật

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 12:34 03/03/2017

Cứu người như cứu hỏa, nhưng cứu không đúng cách thì có thể gây họa, đặc biệt đối với các trường hợp bị co giật.

Mới đây, người hâm mộ làng túc cầu thế giới đã trải qua giây phút kinh hoàng, khi chứng kiến vụ tai nạn xảy ra với cầu thủ của Atletico Madrid - Fernando Torres.

Cụ thể vào cuối trận đấu Depotivo - Atletico Madrid, cầu thủ người Tây Ban Nha đã bị ngã đập đầu, bất tỉnh nhân sự sau một pha tranh bóng với tiền vệ đội chủ nhà.

Không ai có thể tự nuốt lưỡi và cách xử lý nên làm khi có người lên cơn co giật - Ảnh 1.

Đáng chú ý là ngay lúc đó, thủ quân Atletico là Gabi đã có một hành động được nhiều người khen là "kịp thời". Anh lập tức chạy đến, cạy miệng Torres để kéo lưỡi ra vì lo sợ anh tự "nuốt lưỡi", trước khi các bác sĩ chuyển anh lên cáng và đưa vào bệnh viện.

Điều đáng mừng là sau đó, Torres đã hồi tỉnh dù phải theo dõi thêm. Tuy nhiên, câu hỏi của chúng ta là: liệu con người có thể tự nuốt lưỡi?

Không ai có thể tự nuốt lưỡi, kể cả khi đang co giật

Nhiều người vẫn cho rằng khi co giật, cơ thể tự hình thành phản xạ nuốt (swallow) luôn chiếc lưỡi của mình, gây nghẹt thở và nguy hiểm cho tính mạng.

Tuy nhiên, đó là chuyện không tưởng, và điều này có căn cứ khoa học hẳn hoi. Nguyên do là vì trong miệng người có một bộ phận hình chữ thập, được gọi là thắng lưỡi (hay hãm lưỡi - frenulum linguae).

Không ai có thể tự nuốt lưỡi và cách xử lý nên làm khi có người lên cơn co giật - Ảnh 2.

Thắng lưỡi liên kết đáy lưỡi với sàn miệng, với chức năng cố định lưỡi tại đó. Với nó, dù bạn có trồng cây chuối hay bay lòng vòng nhào lộn trên không trung, lưỡi của bạn vẫn chỉ ở đáy miệng mà thôi.

Nói cách khác, trừ phi... tự cắt lưỡi, không thì chắc chắn bạn không bao giờ tự nuốt được lưỡi của chính mình.

Vậy cụm từ "nuốt lưỡi" từ đâu ra?

Sau khi kết thúc giai đoạn co giật, người bệnh sẽ bước vào thời gian ngủ sâu, mất toàn bộ ý thức. Trong giai đoạn này, toàn bộ các cơ trong người (bao gồm cả lưỡi) đều được thả lỏng.

Cụm từ "nuốt lưỡi" (tongue swallowing) khi bị co giật cũng từ đây mà ra. Nhìn chung, lưỡi sẽ không thể bị nuốt (swallowed), nhưng do toàn bộ cơ lưỡi bị thả lỏng, những người cơ địa lưỡi dài có khả năng bị nghẹn đường thở vì lưỡi tụt vào trong.

Chính trong lúc này nếu người bệnh nằm ở một tư thế xấu, gây cản trở sự hô hấp, họ sẽ gặp nguy hiểm vì không còn khả năng tự thay đổi tư thế. 

Cách xử trí nên làm khi gặp người lên cơn co giật

Không giống như những gì người ta vẫn quan niệm, hành vi cứu người của chàng cầu thủ kia thực ra... không thực sự chuẩn xác.

Trên trang chủ CDC - Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của chính phủ Mỹ - thì thậm chí đó còn là hành vi tối kị đối với người không có chuyên môn. Việc đưa một vật thể vào trong miệng người đang lên cơn co giật có thể vô tình gây ra tổn thương cho hàm hoặc lưỡi.

Không ai có thể tự nuốt lưỡi và cách xử lý nên làm khi có người lên cơn co giật - Ảnh 3.

Hành vi của Gabi có lẽ chỉ được đánh giá cao về tình đồng đội mà thôi

Theo Ryan Brett, giám đốc giáo dục tại học viện Khoa học thần kinh New York, ông đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp người ta tìm cách nhét các vật thể - như đồng xu, thìa..., hoặc thậm chí là ngón tay vào trong miệng người lên cơn co giật để cố định lưỡi. Và hầu hết đều để lại hậu quả không mong muốn, cho cả người cứu lẫn người được cứu.

Đầu tiên, hành vi "cạy miệng" trong thời gian co giật có thể khiến bản thân bị cắn rất mạnh, có người thậm chí còn bị nghiến đứt gân ngón tay. Còn trải nghiệm của người được cứu cũng không khá hơn. "Điều duy nhất xảy ra khi nhét thứ gì đó vào miệng người động kinh, là khiến lợi và răng người đó bị tổn thương. Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy rồi" - Brett cho biết.

Trong khi đó lúc cơn co giật kết thúc, người bệnh bắt đầu thở trở lại. Lúc này, họ có nhiều nguy cơ sặc, nghẹn bởi chính dịch cơ thể - gồm nước bọt hoặc nước dịch vị dạ dày (từ phản ứng nôn). Và điều này còn nguy hiểm hơn khả năng bị tụt lưỡi vào trong.

Lúc này, việc cần kíp nhất là thay đổi tư thế bệnh nhân sang nằm nghiêng, nhằm giúp họ hô hấp dễ hơn. Hơn nữa trong trường hợp bị tụt lưỡi, tư thế này cũng giúp lưỡi tự rơi ra một cách tự nhiên (vì lúc này lưỡi đã thả lỏng rồi).

Không ai có thể tự nuốt lưỡi và cách xử lý nên làm khi có người lên cơn co giật - Ảnh 4.

Nhìn chung, những điều cần nhớ khi cứu người bị co giật có thể xem trong bảng sau:

Nên

- Đặt người bệnh xuống sàn, nhẹ nhàng đổi tư thế sang nằm nghiêng.

- Thu dọn các vật thể sắc nhọn xung quanh, tránh gây tổn thương cho người bệnh.

- Kê đầu người bệnh bằng gối mềm hoặc áo khoác.

- Bỏ kính mắt (nếu đeo).

- Nới lỏng carvat hoặc nơ, khuy cổ... - tất cả những thứ có nguy cơ cản trở việc hô hấp.

- Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.

Những điều tuyệt đối không làm

- Không giữ chặt người bệnh.

- Không cho bất kỳ thứ gì vào trong miệng người bệnh. Điều này có thể làm tổn thương răng và hàm. Yên tâm đi, người bị co giật không thể nuốt lưỡi đâu.

- Không thực hiện hô hấp nhân tạo. Người bệnh sẽ tự thở lại sau khi cơn co giật kết thúc. Hô hấp nhân tạo khiến người bệnh dễ sặc hơn.

- Không đưa đồ ăn, thức uống cho người bệnh cho đến khi họ hoàn toàn tỉnh táo.

Nguồn: CDC, How Stuff Works, Brainline, Sciencebasedlife