Khốn đốn vì thiếu giáo viên

Hà Linh-Nguyễn Dũng, Theo Tiền Phong 15:15 13/08/2022
Chia sẻ

Lãnh đạo các Sở GD&ĐT “kêu” thiếu giáo viên trầm trọng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Nhiều nơi phải điều chuyển giáo viên từ trường khác về lấp chỗ trống hay ký hợp đồng với giá “bèo” 50.000 đồng/tiết nên họ không mặn mà.

Trước thềm năm học mới, ngày 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai kế hoạch năm học tới.

Nhìn lại năm học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đó là năm học khó khăn, thách thức nhưng ngành giáo dục đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập như: sĩ số học sinh trên lớp cao; học trực tuyến chỉ mang tính ứng phó tạm thời; thiếu sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và nổi cộm là vấn đề thiếu giáo viên.

Thiếu giáo viên trầm trọng, bỏ trống môn học

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay, năm học này, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu hơn 3.000 giáo viên ở các cấp học. Ngành phải chọn giải pháp tạm thời để dạy học cho năm 2022-2023 đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật là sẽ phải huy động giáo viên từ các trường khác.

Còn các môn học khác buộc phải ký hợp đồng, nhưng thực hiện theo chế độ này, giáo viên chỉ được đảm bảo bằng mức lương tối thiểu vùng, ngoài ra không có thêm nguồn thu nào khác nên rất khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nói rằng, năm học qua đã sáp nhập được hơn 100 điểm trường cũng như bổ sung 2.800 biên chế nhưng vẫn thiếu khoảng 6.000 giáo viên các cấp.

Khốn đốn vì thiếu giáo viên - Ảnh 1.

Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học Ảnh: Quỳnh Anh

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, cho biết: "Chỉ hơn 1 năm, địa phương có tới 527 giáo viên nghỉ việc do đồng lương thấp, không đảm bảo trang trải cho cuộc sống. Rà soát cho thấy, toàn tỉnh thiếu hơn 3.000 giáo viên, trong khi đó, số lượng học sinh tăng so với năm ngoái lên tới 29.000 em, đặc biệt tăng nhanh ở các khu công nghiệp. Việc không có đủ giáo viên đứng lớp là một thách thức rất lớn để đảm bảo chất lượng dạy học vì buộc nhiều trường đã phải tăng sĩ số cũng như dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1".

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, năm học 2022- 2023, thành phố tăng hơn 22.000 học sinh các cấp. Dự kiến năm học này, ngành giáo dục thành phố sẽ phải tuyển thêm 5.200 giáo viên gồm gần 900 giáo viên mầm non, hơn 2.300 giáo viên tiểu học, gần 1.700 giáo viên trung học cơ sở và gần 300 giáo viên trung học phổ thông.

Khốn đốn vì thiếu giáo viên - Ảnh 2.

Ông Minh cho rằng, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật do trước đây các trường sư phạm rất ít đào tạo, hoặc có đào tạo nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm. Sở GD&ĐT TPHCM đang đặt hàng các trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nguồn nhân lực cho các bộ môn bị thiếu hoặc khó tuyển giáo viên. "Mặt khác, các trường sẽ tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có tốt nghiệp đại học về chuyên ngành để giảng dạy những môn về âm nhạc, mỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người sau khi tốt nghiệp các ngành sư phạm Tiếng Anh, Tin học họ chọn đi làm thay vì đi dạy dẫn đến việc thiếu giáo viên trầm trọng ở hai bộ môn này", ông Minh nói.

Thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM), cho hay, đối với nhóm môn Nghệ thuật (gồm Âm nhạc, Mĩ thuật), do trường không có giáo viên nên chưa thể mở lớp theo chương trình GDPT mới trong năm nay. Tương tự, các Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức) cũng chưa thể triển khai các môn Nghệ thuật do trường không có giáo viên đủ điều kiện chuyên môn cho môn Âm nhạc và Mỹ thuật, thay vào đó, trường sẽ dạy học sinh các môn như công nghệ, tin học.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (TPHCM) cho hay: "Do cơ cấu giáo viên các môn Âm nhạc và Mỹ thuật không có sẵn, nên trường sẽ mời họ về dạy hợp đồng".

Nhiều năm chuẩn bị vẫn ngổn ngang

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, địa phương tiếp tục triển khai chủ trương ký hợp đồng đối với những viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng. Xem xét từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng có gốc đào tạo sư phạm để được chuyển ra đứng lớp trên cơ sở đã đánh giá về chuyên môn. Ngoài ra, các trường tiếp tục phân công giáo viên dạy thêm giờ, thỉnh giảng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...

Hiệu trưởng một trường THPT tại Thanh Hoá nói rằng, thực tế trường thiếu giáo viên ở nhiều môn mới nhưng muốn tuyển cũng không có nguồn và ký hợp đồng dạy theo tiết càng khó khăn vì hiện nay chỉ trả 50.000 đồng/tiết. "Không ai đi cả chặng đường xa đến trường chỉ để dạy 2-3 tiết học và thu về chừng đó tiền. Vì thế, học sinh đăng ký, trường đành để trắng môn học", vị hiệu trưởng nói.

Mới đây, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, trong đó năm học tới phải gấp rút tuyển bổ sung 27.850 biên chế bậc mầm non, phổ thông công lập. Bộ GD&ĐT thừa nhận, năm học này, tỉ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn còn nhiều, trong đó cấp tiểu học chiếm tỉ lệ cao nhất với gần 25%, THCS khoảng 14%.

Chương trình GDPT mới có nhiều năm để chuẩn bị và năm nay là năm thứ 3 áp dụng đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, nhưng nhiều nơi buộc phải để trắng môn học vì thiếu giáo viên hoặc điều động giáo viên từ trường này, thậm chí từ cấp học này sang cấp khác để dạy học.

Bộ GD&ĐT thừa nhận, hiện nay, tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên ở các môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Hà Nội, cho rằng, đổi mới chương trình GDPT nhưng ngành giáo dục vẫn còn nhiều việc ngổn ngang, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành vì có những việc như biên chế giáo viên, một mình Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được. Ông nói: "Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD&ĐT dùng thuật ngữ ‘tăng cường’, ‘nâng cao’, ‘đẩy mạnh’ một cách chung chung, thay vì chọn một số việc đang là điểm nghẽn để tập trung giải quyết. Cụ thể xác định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT là gì, Bộ Nội vụ là gì, các bộ, ngành khác ra sao để thực hiện".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày