Dựa trên mối quan hệ giữa Trái đất và Mặt trăng, một nghiên cứu mới đây đã điều tra về sự thay đổi độ dài của một ngày trên Trái đất tại thời điểm 1,4 tỷ năm trước.
Nhóm nghiên cứu bao gồm nhà địa chất học Stephen Meyers thuộc ĐH Wisconsin-Madison, nhà khoa học Trái đất Alberto Malinverno thuộc ĐH Columbia và một số đồng nghiệp khác.
Họ đã sử dụng một kỹ thuật gọi là astrochronology, liên kết hồ sơ địa chất với lý thuyết thiên văn để tái tạo lại lịch sử Trái đất và hệ Mặt trời.
Cụ thể là những thay đổi về khí hậu và quỹ đạo của Trái đất xung quanh Mặt trời, sự rung lắc của trục Trái đất hướng ra xa Mặt trời.
Nhờ phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã tính toán khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng, các biến thể trong quỹ đạo của Trái đất và cả chiều dài của một ngày vào 1,4 tỷ năm trước.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ gây bất ngờ cho rất nhiều người: vào 1,4 tỷ năm trước, một ngày chỉ kéo dài 18 giờ đồng hồ.
Các nhà khoa học giải thích rằng: Tất cả đều nhờ vào hiệu ứng Mặt trăng xoay quanh hành tinh của chúng ta.
Tại thời điểm 1,4 tỷ năm trước, Mặt trăng gần Trái đất hơn và vòng quay của Trái đất cũng nhanh hơn.
Hiện nay, Mặt trăng đang di chuyển ra xa Trái đất với tốc độ 3,82cm/năm. Trưởng nhóm nghiên cứu Mayers cho biết: "Khi Mặt trăng dần di chuyển xa Trái đất hơn thì tốc độ Trái đất tự quay quanh nó sẽ chậm hơn".
Điều này có nghĩa là lượng thời gian mỗi năm sẽ tăng lên một chút ít. Nhóm nghiên cứu đã tính ra rằng kể từ 1,4 tỷ năm trước đến nay, trung bình mỗi năm kéo dài thêm 0,001542857 giây.
Nhờ vậy mà bây giờ mỗi ngày chúng ta có 24 tiếng thay vì 18 tiếng như trước đây.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định rằng hiện tượng này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sau một loạt tính toán, họ kết luận rằng, trong những năm tới đây, mỗi năm sẽ có thêm 0,001818 giây. Và khoảng 200 triệu năm tới, một ngày trên Trái đất sẽ dài 25 giờ đồng hồ.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu còn muốn sử dụng phương pháp này của họ để tái tạo lại sự phát triển của hệ mặt trời trong hàng tỉ năm trước.
Nguồn: Science Alert