Chắc hẳn chúng ta đều có lúc lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi không hiểu sao bỗng nhiên mọi dấu hiệu của vạch sóng điện thoại di động đều biến đi đâu hết cả. Có thể đó là vì ngăn cách do chất liệu nào đó, có thể là nghẽn sóng do quá đông người, có thể đó là vì điện thoại của bạn đã… xuống cấp trầm trọng và thường xuyên đòi nâng cấp. Thế nhưng, dù thế nào thì cũng cần một biện pháp khắc phục tạm thời lúc đó đã, trước khi chúng ta có thể bình tĩnh tính toán cho tương lai lâu dài về sau.
Nếu như đây là hiện tượng chỉ xảy ra thi thoảng, nhất thời với tần suất ít đến cực ít thì cũng không có gì phải lo quá, hãy cứ tự tin mà reset lại nguồn điện thoại của mình để giải quyết.
Làm việc này sẽ khiến điện thoại của bạn phải tìm ra nguồn thu phát sóng mạnh và tối ưu nhất kể từ thời điểm bật lại và tìm kết nối. Do vậy, nếu như trước đó mất sóng là do nguồn phát cũ mang đến tín hiệu yếu, thì nay nó sẽ được thay thế bằng một cột sóng mới được “tin tưởng” hơn nhiều.
Pin yếu đồng nghĩa với khả năng cao điện thoại, đặc biệt là smartphone, tự đặt mình vào chế độ tiết kiệm pin. Đương nhiên điều này cũng làm ảnh hưởng đến lưu lượng tín hiệu được truyền tải tối đa, không còn được thoải mái vận hành bởi pin như trước. Còn nếu không có đủ phụ kiện hay điều kiện không cho phép sạc ngay lập tức, hãy tạm tắt chế độ tiết kiệm pin đó đi (nhưng vẫn tính toán vừa đủ để liên lạc mà không sập pin giữa chừng nhé).
Nơi bạn đứng hoặc cách bạn cầm nắm điện thoại cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự cố. Chẳng hạn nếu đứng ở vùng chặn sóng hoặc lỡ cầm tay che chắn hết phần ăng-ten, chắc chắn tín hiệu thu nhận sẽ yếu đi nhiều. Hãy thử đi ra chỗ khác, hoặc đổi tư thế cầm đi xem.
Đang ở trong nhà thì thử đi ra ngoài trời, không biết ăng-ten ở đâu bị che thì thử tìm thông tin liên quan. Tường nhà và mái lợp hoàn toàn có khả năng ngăn cản sóng điện thoại. Do đó, việc chỉ mới bước vài bước chân mà sóng đã tăng đáng kể không phải là quá xa lạ.
Nếu như sự tình không khá khẩm hơn sau khi áp dụng cách trên, có lẽ vẫn đề ở đây nằm ở vị trí của bạn với cột phát sóng gần nhất. Đang trên đường thì hãy cố thử lại và kiên nhẫn, còn đang ở một vùng đất nào đó thì hãy hướng lên địa hình cao hơn chút để có thể bắt sóng hiệu quả hơn.
Được biết, kể cả khi bạn thấy mình ở không xa so với cột tiếp sóng nhưng vẫn không cải thiện được tình hình, có thể đó là do hướng sóng hiện tại không phủ lên khu vực của bạn. Di chuyển theo quỹ đạo trải rộng tròn xung quanh đó chắc chắn sẽ dần khắc phục nhược điểm này.
Tần suất rơi vào thảm cảnh mất sóng diễn ra thường xuyên dù đã thử mọi cách trên? Vậy thì hãy ngừng đổ lỗi cho dịch vụ hay nhà mạng mà thử kiểm tra lại chính chiếc “dế yêu” của bạn ngay đi. Lỗi phần cứng hay hệ thống đều có thể là nguyên nhân khả thi gây ra tình trạng này. Đặc biệt, chẳng hạn như bạn đã ra ở riêng và sống tự lập thì việc tìm kiếm một chiếc điện thoại mới sẽ được cân nhắc và khuyến nghị hơn cả.
Sau khi mua điện thoại mới, để đảm bảo mọi thứ suôn sẻ “đầu xuôi đuôi lọt” thì hãy chọn tin tưởng một nhà cung cấp dịch vụ uy tín lâu dài. Chất lượng sóng không ổn định đến từ các thương hiệu mới nổi, chưa dày dạn kinh nghiệm là điều hết sức bình thường.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hỏi thêm bạn bè hoặc người thân có từng sử dụng qua mạng đó. Nếu họ cũng trải qua tình trạng sóng yếu tương tự thì chẳng có lý do gì bạn phải lưu luyến cả, còn ngược lại thì đừng ngại ngần mà tin tưởng họ.
Đây không phải là phương án áp dụng được cho mọi thời điểm, nhưng nếu như Wi-Fi của bạn căng tràn cột sóng mà kết nối di động lại “thoi thóp” thì hãy suy nghĩ cho kỹ. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì chắc hẳn phần lớn trong số chúng ta cũng có cho mình một chiếc smartphone với các điểm phát sóng Wi-Fi đầy rẫy xung quanh mình.
Skype, Viber, hay thậm chí là Messenger của Facebook - chẳng phải là quá quen thuộc và tiện lợi, lại ổn định kết nối với chi phí rẻ hơn nhiều hay sao?
(Tổng hợp)