Sau bao thời gian "cợt nhả" trên mạng xã hội, Gen Z giờ đây đã chính thức bước chân vào thị trường lao động. Những bậc thầy chế meme, chuyên gia bắt trend nay đã trở thành những giáo viên, bác sĩ, nhân viên văn phòng,... nhưng vẫn không quên mang theo tinh thần sáng tạo và một chút "tấu hài" đặc trưng.
Gen Z được biết đến với sự hài hước không biên giới, meme hóa mọi vấn đề và đôi khi khiến các thế hệ trước "đứng hình mất 5 giây" vì cách tiếp cận quá khác biệt. Nhưng đừng nhầm tưởng rằng cợt nhả là thiếu trách nhiệm. Ngược lại, thế hệ này lại đang chứng minh rằng họ cực kỳ nhanh nhạy, sáng tạo và luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thử thách.
Dù là làm việc online hay offline, Gen Z luôn biết cách biến công việc trở nên thú vị hơn. Một chút "chill", một chút "tấu hài", nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất – đó chính là phong cách làm việc của họ. Thế hệ này không ngại đặt câu hỏi, không ngại thử nghiệm cái mới và đặc biệt là rất ghét sự nhàm chán.
Việc "thế hệ cợt nhả" bước vào thị trường lao động có thể khiến nhiều người lo ngại, nhưng thực tế lại rất đáng mong chờ. Họ mang theo một tinh thần mới, sáng tạo, linh hoạt và dám thay đổi những điều không còn phù hợp. Dù có thể đôi lúc khiến sếp "xỉu up xỉu down" vì những ý tưởng táo bạo, nhưng chắc chắn rằng Gen Z sẽ là một thế hệ đầy màu sắc, giúp thế giới công sở bớt nhàm chán hơn rất nhiều.
Đơn cử như mới đây, các giáo viên Gen Z đã khiến dân mạng vô cùng thích thú về sự sáng tạo và hài hước của mình trong quá trình dạy học. Nếu ngày xưa, nhận bài kiểm tra là một trải nghiệm căng thẳng với tim đập thình thịch, tay chân run rẩy, thì nay, nhờ giáo viên Gen Z, mọi thứ đã khác hẳn.
Khi bạn muốn tấu hề nhưng quên mất mình đang đi dạy.
Thay vì những lời phê khô khan, cứng nhắc như "cần cải thiện" hay "chưa đạt yêu cầu" mà chỉ đọc thôi đã thấy "lo", giáo viên Gen Z mang đến một làn gió mới với những nhận xét sáng tạo, dí dỏm, đôi khi "lầy lội" đúng chất giúp học sinh giảm bớt áp lực và tìm thấy niềm vui trong học tập. Chẳng hạn, khi bài kiểm tra chỉ được 7 điểm, thay vì để học sinh chán nản vì điểm số không quá cao, giáo viên nhẹ nhàng động viên: "Cũng được đó!" – vừa đơn giản, vừa ấm áp, đủ để các em cảm thấy nỗ lực của mình được ghi nhận. Còn nếu đạt 9 hay 9,5 điểm, dĩ nhiên là không thể thiếu lời khen, nhưng cách họ khích lệ lại đáng yêu đến bất ngờ: "Thương con gái không được 10 điểm" – vừa gần gũi, vừa tinh tế, khiến học sinh không chỉ tự hào mà còn có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.
Tuy nhiên, đừng tưởng rằng sự "cợt nhả" ấy là dấu hiệu của thái độ thiếu nghiêm túc. Dù có những cách dạy học không giống ai, nhưng không thể phủ nhận một điều: giáo viên Gen Z đang thay đổi môi trường giáo dục theo hướng hiện đại, gần gũi và thú vị hơn. Học sinh bây giờ có lẽ không còn sợ bài kiểm tra mà đôi khi còn mong chờ xem thầy cô sẽ nhận xét gì về bài làm của mình. Những thay đổi này không chỉ giúp học sinh học tốt hơn mà còn tạo ra một thế hệ biết cách học tập vui vẻ, giảm bớt áp lực và thực sự yêu thích việc đến trường.
Và điều tuyệt vời nhất có lẽ nằm ở mối quan hệ đặc biệt mà họ xây dựng với học sinh. Không chỉ là những người đứng lớp, giáo viên Gen Z còn trở thành những người bạn đồng hành thực sự. Họ lắng nghe, chia sẻ, và đôi khi cùng học sinh "tấu hài" để xua tan căng thẳng. Và biết đâu đấy, một ngày nào đó, những thế hệ học trò của họ sẽ kể lại rằng: "Hồi đó đi học vui lắm, giáo viên của tôi vừa là thầy cô, vừa là một người bạn thực sự!".