Bài viết của một tác giả được đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý:
Một cuộc khảo sát do TalentSmart thực hiện cho thấy: “90% những người làm việc hiệu quả đều có trí tuệ cảm xúc cao, với thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn”. Trong môi trường làm việc và ứng xử, trí tuệ cảm xúc cao không phải là làm hài lòng nhà lãnh đạo một cách mù quáng mà là khả năng giao tiếp trong công việc.
Chúng ta thường gặp phải trường hợp như vậy. Sau khi báo cáo công việc, người lãnh đạo sẽ nói “Cảm ơn bạn vì đã làm việc chăm chỉ” hay "Mọi người đã vất vả rồi". Phản ứng đầu tiên của nhiều người là trả lời rằng "không có gì đâu ạ" hoặc "không vất vả", dường như đây đã trở thành một câu trả lời quá quen thuộc. Trên thực tế, đây là câu trả lời không hợp lý và cũng cho thấy người này có trí tuệ cảm xúc thấp.
Trong công việc, dù bạn đã có kinh nghiệm chinh chiến nhiều hay vẫn là người mới, nếu không thấu đáo trong giao tiếp nơi công sở, thì chỉ một chút sơ suất cũng có thể khiến bạn đánh mất tiền lương.
Ảnh minh họa.
Giao tiếp với lãnh đạo không phải là càng khiêm nhường càng tốt
Trong công ty nọ, một nhân viên livestream bán hàng đã có những buổi livestream thu hút nhiều người xem, lượt bán hàng đạt ở mức rất tốt, điều này cũng mang lại lợi ích to lớn cho công ty. Sau đó, giám đốc điều hành đã gửi cho nhân viên này 2 tin nhắn: "Cảm ơn bạn đã làm việc chăm chỉ và mang lại vinh quang cho công ty”, "2 ngày này bạn đã vất vả phát sóng trực tiếp rồi, đoán rằng hai ngày tới sẽ giảm nhiệt một chút, bạn hãy nghỉ ngơi hợp lý nhé. Thay mặt công ty, tôi cảm ơn bạn”.
Vị giám đốc nhắn tin để quan tâm đến cấp dưới có năng lực của mình. Tuy tin nhắn đơn giản nhưng lại bộc lộ cảm xúc chân thật.
Sau đó, nhân viên này trả lời lại, câu trả lời cũng bộc lộ trí tuệ cảm xúc cao: "Cảm ơn thầy đã quan tâm, có thể làm tốt công việc là điều may mắn. Đêm qua nhiều người xem livestream, có khoảng 108.000 người xem, bán được số lượng sách lớn. Là nhân viên của công ty, truyền đạt tri thức, khuyến khích đọc sách, để lại ấn tượng sâu sắc về công ty là vinh dự của tôi. Thầy đã cống hiến hết mình cho công ty bao năm nay, tôi là nhân viên, nhìn thấy và cảm động. Tôi sẽ điều chỉnh công việc và nghỉ ngơi, để đảm bảo có sức khỏe tốt nhất có thể làm việc hết mình".
Một tin nhắn không dài, không ngắn, không tâng bốc cũng không giả dối. Anh ấy trước hết cảm ơn lãnh đạo, cảm động khi lãnh đạo thấy được sự nỗ lực của mình. Sau đó dùng dữ liệu cụ thể để làm nổi bật giá trị của mình, cũng thể hiện sự tận tâm với công việc. Báo cáo công việc một cách vừa phải, thể hiện giá trị của mình, giúp lãnh đạo nắm rõ công việc của mình. Cuối cùng, anh còn nói rằng là nhân viên, dù vất vả cũng là vinh dự, và bày tỏ sự đồng lòng với công ty. Một lần giao tiếp, cân nhắc nhiều mặt, đúng là mẫu mực của trí tuệ cảm xúc cao.
Cấp dưới dựa vào cấp trên để thực hiện chí hướng, cấp trên dựa vào cấp dưới để đạt thành tựu lớn hơn. Ở một khía cạnh nào đó, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới là một mối quan hệ hợp tác. Nhưng nhiều người làm việc nơi công sở nghĩ đến việc giao tiếp với lãnh đạo là bắt đầu lo lắng, chưa nói chuyện đã sợ hãi, trong lòng có lời không dám nói.
Mọi người đều cùng hướng đến một mục tiêu chung, chỉ là sự phân phân công lao động và trách nhiệm khác nhau. Đừng hạ thấp vị thế của mình. Chúng ta phải hiểu rõ mối quan hệ với lãnh đạo, đặt mình đúng vị trí.
Giao tiếp với người khác, chân thành đối đãi, không kiêu ngạo cũng không tự ti, chính là tuyệt chiêu.
Ảnh minh họa.
Đừng để tài năng của bạn "thua" chỉ bởi lời nói
Giao tiếp trong công sở giống như chèo thuyền trên biển đầy đá ngầm. Bề ngoài yên ả, nhưng sơ suất là chìm tàu. Chi tiết nhỏ có thể giúp bạn nổi bật, cũng có thể khiến bạn thua cuộc hoàn toàn: "Tại sao tôi cũng có tài năng nhưng người được tăng lương thăng chức lại là người khác?". Bởi vì sếp cần bạn làm việc chăm chỉ nhưng sếp lại không nhìn thấy được bạn đang làm việc chăm chỉ.
Trên Zhihu, có một người chia sẻ kinh nghiệm làm việc của mình, nhận được nhiều sự đồng cảm. Một lần, nhóm của họ làm việc thêm giờ, cuối cùng hoàn thành một dự án rất khó. Lãnh đạo trong nhóm nói: "Mọi người đã vất vả rồi”. Một đồng nghiệp trẻ không nghĩ ngợi, trả lời ngay: "Không vất vả, đây là việc chúng ta nên làm!"
Lúc đó, nhóm chat rơi vào im lặng. Khi lãnh đạo nói "vất vả rồi", chúng ta có nhiều câu trả lời tốt, nhưng tệ nhất là câu trả lời này.
Đây không phải là khiêm tốn, mà là không nhìn nhận đúng công sức của mình. Đã làm nhiều như vậy, thậm chí làm việc đến nửa đêm, tại sao không để lãnh đạo biết?
Nỗ lực có thành quả thì nên được công nhận và khen thưởng, đây là điều hợp lý, không cần giấu diếm.
Mỗi người trong đời sẽ gặp nhiều cơ hội, có những cơ hội không quan trọng, nhưng có những cơ hội như điểm số trong thể thao. Có thể nắm bắt hay không, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của một người. Trong công sở, người biết chủ động thể hiện thành quả sau khi hoàn thành công việc xuất sắc, sẽ dễ dàng nhận được cơ hội trong tương lai. Người không biết thể hiện mình sẽ không bao giờ có được sự phát triển thực sự. Đừng để tài năng của bạn thua ở lời nói, khả năng nếu bị ẩn giấu thì con đường đến thành công sẽ càng khó khăn hơn.
Ảnh minh họa.
Biết ăn nói, biết lắng nghe
Những nhân viên được khen ngợi chưa chắc được thăng chức, còn những người bị phê bình chưa chắc đã bị bỏ lại phía sau. Nghe lời nghe ý, nhìn người nhìn tâm, hiểu được lời nói ngụ ý không phải là làm ra vẻ huyền bí, mà là kỹ năng cần thiết trong công sở.
Đừng xem thường sức mạnh của lắng nghe, vào thời điểm then chốt, không chỉ có thể thấu hiểu nhu cầu tâm lý của đối phương, mà còn có thể thu thập thông tin quan trọng.
Cùng một câu nói, ngữ cảnh khác nhau có ý nghĩa khác nhau, khi lãnh đạo nói "vất vả rồi", trả lời như thế này sẽ ghi điểm hơn.
Khi bạn hoàn thành tốt một công việc, đóng góp cho công ty, lãnh đạo nói "vất vả rồi", đó là lời khen ngợi. Bạn chỉ cần nói đơn giản: "Cảm ơn lãnh đạo đã quan tâm", như vậy là đủ. Không vội vàng kể công, cũng không than vãn khổ cực, để lại ấn tượng về người làm việc chăm chỉ, không quá phô trương.
Ngược lại, nếu bạn chưa đạt được kết quả, lãnh đạo nhăn mặt nói "vất vả rồi". Đây là ý chỉ rằng nỗ lực của bạn chưa đạt kỳ vọng, nhưng không muốn làm mất tinh thần của bạn, nhắc nhở bạn lần sau chú ý. Lúc này, bạn phải hiểu "ý tốt" của lãnh đạo, có thể trả lời: "Lần này thời gian có hạn, sau này tôi sẽ tiếp tục cố gắng, cảm ơn lãnh đạo đã hiểu."
Tất nhiên, nếu lãnh đạo chỉ khách sáo, nói một câu "vất vả rồi", bạn có thể lễ phép trả lời "đây là việc nên làm”.
Người trong công sở cũng phải biết đối nhân xử thế. "Biết ăn nói" là kỹ năng quan trọng, có thể làm cho công việc thêm điểm sáng, "biết lắng nghe" là nền tảng, có thể nâng cao hiệu quả công việc.
Có câu nói rất hay: "Giao tiếp là một nghệ thuật, cách nói thường quan trọng hơn nội dung". Tôi từng đọc một cuốn sách, trước đây và ghi lại trong ghi chép công việc của mình: Trở ngại lớn nhất trong công việc của một người không phải là khả năng mà là sức mạnh tinh thần. Nơi làm việc thực sự không phải là nơi giải trí mà là nơi thử thách. Hãy coi công việc như sự tu luyện, trau dồi bản chất của mình khi gặp khó khăn trên đường đi và trau dồi tâm hồn khi gặp gỡ mọi người. Điều này giúp bạn không chỉ hoàn thành công việc mà còn hoàn thiện bản thân.
Đừng coi thường người khác, cũng không nên hạ thấp mình. Dám thể hiện năng lực của mình, khẳng định nỗ lực của mình, nắm bắt mọi cơ hội. Nắm vững một số kỹ năng giao tiếp, học cách đối nhân xử thế, con đường sự nghiệp của bạn sẽ thuận lợi hơn.
Theo Toutiao