Phương tiện cơ giới cá nhân hiện vẫn được sử dụng phổ biến ở nước ta, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Ở Việt Nam, khoảng 75% số lượng ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng, 25% số lượng ô tô chạy bằng dầu DO, 100% xe máy chạy bằng xăng.
Khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.
"Đứng sau xe máy, nó phả một đống khói vô mặt", "Khí thải xe máy gây nóng mà ảnh hưởng xấu đến mũi", "khói xe máy gây khó chịu"... là hàng loạt cảm nhận của người dân khi lưu lượng phương tiện cá nhân dày đặc tại các thành phố lớn.
Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông đẻ giảm ô nhiễm môi trường
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên Môi trường, TP.HCM hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.
Đó là lý do khiến nhiều người dân chuyên sang sử dụng phương tiện công cộng hoặc phương tiện xanh. Theo chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Ngọc (sinh sống tại Quận 1, TP.HCM) cho biết, mỗi ngày đi làm Ngọc đều sử dụng xe đạp công cộng.
Tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông tại miền Nam và cả nước
Thói quen đi xe đạp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, bạn Nguyễn Đại Hồng Anh (quận Phú Nhuận) cho biết, "Mình đạp xe cũng được khoảng 2 năm rồi. Ban đầu tính mua xe đạp để chỉ để đi học nhưng mà sau khi được bạn rủ đạp xe lên quận 1 chơi thì có thói quen đạp xe vòng vòng nữa. Trong 1 tuần chắc sẽ có khoảng 4 ngày đạp xe, đi đâu xa mình cũng đạp xe lên".
Không chỉ các bạn trẻ, mà nhiều người trung niên cũng hình thành thói quen đạp xe vừa như tập thể dục vừa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chú Nguyễn Văn Nam (quận 10, TP.HCM) chia sẻ, "Chú đạp xe lâu lắm rồi, sau này bà xã hay đau nhức nên phải tập để bà ấy đi đạp xe với chú".
Thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều người bắt đầu có thói quen sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp thay vì xe cá nhân. Anh Nguyễn Minh Hiếu (TP.Thủ Đức) cho biết, "Trước đây tôi dùng xe máy nhưng hiện tại tôi cảm thấy thoải mái hơn khi đi xe buýt vì không phải gặp nắng mưa. Khi di chuyển theo các lộ trình khác nhau tôi vẫn cố gắng tìm các tuyến xe buýt có thể tận dụng".
Nhiều người cũng bày tỏ khá thích sử dụng các phương tiện giao thông xanh vì nó giúp bảo vệ môi trường và không phát ra quá nhiều tiếng ồn. Tuy nhiên, một số người cũng cho biết các phương tiện giao thông xanh hay xe điện cũng vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Ví như việc sử dụng xe điện thì sạc hơi lâu và các trạm sạc cũng chưa phổ biến.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc sử dụng phương tiện công cộng cũng góp phần làm giảm ùn tắc giao thông.
Dù còn nhiều hạn chế khi hướng đến hiện thực hoá giao thông không khói thế nhưng những sự thay đổi nhỏ về thói quen sử dụng phương thức di chuyển sẽ góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường.
Người dân bày tỏ mong muốn các điểm đặt xe đạp cộng cộng và xe điện sẽ xuất hiện nhiều hơn tại thành phố. "Nếu mỗi người bớt sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, xe điện, xe đạp thì thành phố sẽ giảm đáng kể việc ô nhiễm và giảm thiểu việc tắc đường", người dân hào hứng chia sẻ.