Khi nào các trường đại học công bố điểm chuẩn?

Hoàng Thanh, Theo Infonet 14:04 29/09/2020

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 5/10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng đợt 1.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xong, điểm tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Sau đó, quy trình xét tuyển đợt 1 sẽ được thực hiện từ ngày 2/10 đến 17h ngày 4/10. Các trường ĐH và CĐ đào tạo mầm non sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn trong khoảng thời gian trên. Thí sinh sẽ biết mình trúng tuyển hay không sau khi có điểm chuẩn.

Các trường ĐH sẽ công bố cụ thể danh sách thí sinh trúng tuyển trước 17h ngày 5/10. Lúc này, nếu trúng tuyển, thí sinh cần xác nhận nhập học trong khoảng thời gian quy định. Quá khoảng thời gian này coi như từ chối nhập học.

Từ ngày 15/10, các trường ĐH nào thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Khi nào các trường đại học công bố điểm chuẩn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Theo PGS. TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng quản lý tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2020 điểm chuẩn sẽ tăng theo xu thế chung. “Điểm chuẩn vào trường năm nay có thể sẽ dịch chuyên theo hướng tăng từ 2-3 điểm so với năm 2019. 
Một số dự đoán về điểm chuẩn đại học 2020:

Cụ thể, ngành top trên (Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa, Kỹ thuật ô tô...) tăng khoảng 1- 1,5 điểm, ngành top giữa tăng từ 2-2,5 điểm, ngành top dưới sẽ dịch chuyển nhiều hơn - tăng từ 2-3 điểm.

Chẳng hạn, như ngành Tự động hóa, năm 2019 lấy 26,5 điểm. Năm nay nếu thí sinh có điểm từ 27,5 trở lên, các em có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành”, PGS. TS Trần Trung Kiên cho hay.

GS. TS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội 2020 không nằm ngoài xu hướng chung và sẽ cao hơn năm trước. Trường đào tạo nhiều ngành khác nhau, mức điểm vào từng khoa cũng khác nhau.

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TP.HCM thì số lượng thí sinh có điểm cao năm nay nhiều hơn. Từ đó có thể đưa ra dự báo điểm chuẩn sẽ tăng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên mức độ tăng này còn tùy thuộc từng ngành, số lượng thí sinh và chất lượng thí sinh cụ thể.

Cùng nhận định như trên, PGS Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho rằng dự kiến điểm chuẩn khối A năm nay chắc chắn tăng nhưng tăng với mức nào thì chưa thể khẳng định. Riêng khối B, do có môn sinh điểm không được cao sẽ kéo tụt điểm tổ hợp khối B xuống nên điểm chuẩn có tăng cũng không đáng kể.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, nhiều học sinh khi đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thường lựa chọn những ngành được cho là “hot” vì cho rằng đầu ra sẽ dễ dàng hơn. Đây là nguyện vọng cá nhân của các em và gia đình.

Tuy nhiên, việc thí sinh ồ ạt đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào những ngành đó vô hình trung khiến điểm chuẩn đại học những ngành này đã cao lại càng cao hơn”.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc thí sinh chọn ngành “hot” theo trào lưu mà không tìm hiểu kỹ lưỡng về cơ hội nghề nghiệp, chưa đánh giá kỹ càng về mức độ phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của bản thân, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình học tập tại giảng đường đại học sau này, cũng như cơ hội phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp tương lai.

Bên cạnh những ngành luôn có mức độ cạnh tranh cao như các ngành của trường thuộc khối công an, quân đội hay y dược, một số ngành mới đây cũng “nổi lên” và được nhiều thí sinh lựa chọn là công nghệ thông tin hay một số ngành kỹ thuật công nghệ cao.

Tại nhiều trường đại học, ngành Công nghệ thông tin luôn nằm trong những ngành có điểm chuẩn dẫn đầu. Ví dụ tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2019, các ngành liên quan Công nghệ thông tin đều lấy điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên.

Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, ngành Công nghệ thông tin cũng có điểm chuẩn đầu vào cao nhất.

Đối với các trường thuộc khối kinh tế, quản trị kinh doanh, những ngành như Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh… ở các cơ sở đào tạo uy tín như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, luôn được các thí sinh lựa chọn nhiều hơn, khiến điểm chuẩn những ngành này cũng luôn ở ngưỡng rất cao.

Logistics mặc dù mới xuất hiện cũng luôn nằm trong những ngành được nhiều thí sinh đăng ký.

“Tôi cho rằng cơ hội việc làm thực chất phụ thuộc vào năng lực và nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Bởi, dù có học ngành được coi là “hot”, kết quả học tập không tốt, người học không có thái độ cầu tiến và thiếu đi ý chí, cũng như khả năng không ngừng học hỏi, thì thị trường lao động cũng sẽ không chấp nhận”, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.