Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo, Đoàn Nam Định, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chương trình giáo dục phổ thông là để thể hiện mục tiêu giáo dục và có phạm vi áp dụng trên cả nước. SGK được biên soạn nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình này, từ đó cho thấy sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Nhưng vấn đề là việc thực hiện xã hội hóa như thế nào để vừa đảm bảo được tinh thần đổi mới, vừa đảm bảo được mục tiêu về hiệu quả của giáo dục toàn diện.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo cho biết, tháng 9/2020, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sử dụng SGK mới cho đối tượng học sinh lớp 1. Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng bắt học sinh mua thêm sách tham khảo. Cá biệt có những phụ huynh đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua SGK lớp 1 cho con cùng với cả các sách tham khảo.
Ngoài ra, SGK tiếng Việt ở một số bộ sách còn thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh.
“Đây là một thực tế để lại dư luận không tốt. Điều đáng nói là những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đi vào sử dụng thì mới bộc lộ và không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn, thẩm định hay là quá trình phê duyệt để ban hành”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu ý kiến.
Là đại biểu đang công tác trong ngành giáo dục, đại biểu Phương Thảo cảm thấy rất tiếc về sự cố này. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định phê duyệt sách là đúng quy định; Hội đồng thẩm định quốc gia đã làm hết sức trách nhiệm. Nhóm tác giả biên soạn sách cho rằng nội dung đưa vào SGK đã được chọn lọc và phù hợp. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận từ trong ngành giáo dục và toàn xã hội, đại biểu Phương Thảo đề xuất: Không đánh đồng, quy kết tất cả các bộ SGK lớp 1 đều có vấn đề.
“Chúng ta cần làm rõ có hay không tình trạng sai sót, nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai. Quan điểm của tôi là SGK đã sai thì bắt buộc phải sửa. Không thể để một thế hệ học sinh trẻ của chúng ta phải học SGK sai sót như vậy”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị.
Do đó, đối với các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tạm dừng thực hiện. Khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các SGK này. Đối với từng môn học, cần thành lập một Hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới hoàn toàn thẩm định lại khách quan, minh bạch từng bài học, từng nội dung.
Chỉ khi nào thật sự kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa SGK vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội. Trong thời gian thẩm định lại SGK, cần tránh trường hợp việc thu hồi sách chỉ diễn ra cục bộ ở từng địa phương, từng bộ sách và tránh việc sử dụng học liệu thiếu tính nhất quán. Cần phải có phương án dạy cho trẻ lớp 1 thống nhất tại các nhà trường trên toàn quốc, thay thế trong thời gian này cần sử dụng các bài học tương đương trong SGK cũ hoặc có thể tăng thời lượng trải nghiệm hay giáo dục vận động cho học sinh.
Để thực hiện thẩm định lại cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ biên soạn, thẩm định đến phê duyệt để ban hành. Trước hết, với các nhóm tác giả, nguồn lợi về kinh tế mà họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng. Sách của nhóm nào sai sót thì chủ biên của nhóm đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, khi buộc phải thu hồi để chỉnh sửa thì cần cung cấp sách thay thế và miễn phí cho học sinh, tránh để phụ huynh cũng như học sinh chịu thiệt hại kép.
Ngoài ra, cũng cần xem xét lại hiệu quả của quy trình thực nghiệm. Thực nghiệm là hết sức quan trọng nhưng phải chặt chẽ, phải đảm bảo cả trước, trong và sau khi tiến hành. Về việc quy trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền, đại biểu Phương Thảo đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót. Pháp luật đã có đầy đủ các quy định tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm.
Mặt khác, thu hồi SGK để chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục, đối tượng chịu tác động rất rộng là học sinh, giáo viên, phụ huynh tới nhà trường, các địa phương và kéo theo cả sự vào cuộc của nhiều cơ quan.
“Để khắc phục, dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng tới việc sử dụng tài sản cá nhân, tổ chức tới tài sản của nhà nước. Vì vậy, để tránh làm tăng bức xúc cho nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo kiến nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Tiền Giang cho rằng, ngay giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau. Đa phần là phản ánh “những hạt sạn” ngay chính trong SGK, tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường lựa chọn và ngay cả ở một số vở bài tập.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: “Phải chăng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này phải chăng đến từ việc chúng ta quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung SGK của Hội đồng thẩm định. Vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn SGK của các địa phương để thực hiện lộ trình theo Thông tư 32 kể trên”.
Ghi nhận những cố gắng của Bộ GD&ĐT, đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Phú Thọ cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng, tích cực tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng cầu thị. Song SGK vẫn là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, bất an, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, học sinh và phụ huynh.
"Vấn đề đặt ra trước tình hình trên, chúng ta sẽ làm gì để xử lý vấn đề này? Nhiều phụ huynh mong muốn Bộ GD&ĐT hãy biên soạn một bộ SGK chuẩn. Vì SGK là tài liệu dạy và học của quốc gia, phải thống nhất toàn quốc. Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn SGK như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được", đại biểu Cao Đình Thưởng nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đợt đổi mới lần này là đổi mới căn bản từ chương trình, mục tiêu, nội dung, phương pháp đến tất cả các yếu tố được thực hiện, trong đó SGK là tài liệu để thể hiện chương trình, nó khác với lần đổi mới trước là đổi mới SGK. Thực hiện Nghị quyết 88 chủ trương là một chương trình, một số SGK và xã hội hóa SGK, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 46 SGK thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản. Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều mà thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân góp ý kiến nhiều.
"Chúng tôi có kiểm tra và thấy ý kiến góp ý của nhân dân, của các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân về nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 là một trong 46 sách có những ngữ điệu chưa thật phù hợp. Chúng tôi đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu. Hiện nay đang chỉnh sửa cho phù hợp với ngữ điệu và tâm lý lứa tuổi lớp 1. Còn các bộ sách khác cũng đang được triển khai", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã yêu cầu phải rà soát lại và căn cứ vào thực tiễn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện SGK. "Chúng tôi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân, tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy để tiếp tục rà soát, tiến tới SGK được hoàn thiện hơn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, SGK thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, khác với sách cũ. Cho nên không được trợ cấp về biên soạn như sách cũ.
"Do vậy, chi phí này cũng được tính trong chi phí của SGK và chúng tôi cũng đã đề nghị giảm chi phí giá thành. Các nhà xuất bản cũng đã giảm 2 - 3 lần và phương án giá, duyệt giá đã được Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng SGK vào mặt hàng Nhà nước định giá, bình ổn giá. Chúng tôi cũng đã có báo cáo Quốc hội, và đã được Quốc hội chỉ đạo giao cho Bộ Tài chính rà soát để sửa Luật Giá để đưa mặt hàng SGK theo giá Nhà nước định giá", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội.