Chúng ta khó có thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những
phát minh vĩ đại của các bậc thiên tài. Tuy nhiên, không phải phát minh, ý tưởng nào của họ cũng có tính ứng dụng cao và được nhiều người biết đến.
Hãy cùng điểm qua một vài ý tưởng và phát minh khá “khó đỡ” của một vài nhà thiên tài quen thuộc dưới đây.
1. Điện thoại linh hồn của Thomas EdisonThomas Edison (1847 - 1931) là một nhà phát minh vĩ đại. Ông được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử với 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh những phát minh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống như đèn điện, máy ghi âm, máy chiếu phim, ông cũng có phát minh khá “điên” mà ít ai biết đến. Trong số đó có điện thoại linh hồn.
Trong hậu Thế chiến thứ I, người ta tin vào thế giới duy tâm. Nhiều người hy vọng khoa học có thể cung cấp một phương tiện để “truy cập” vào các linh hồn của người chết.
Tháng 10/1920, Edison công bố rằng, ông đang tạo ra một loại máy có thể mở các đường giao tiếp với thế giới tinh thần. Chiếc máy này được lấy ý tưởng giữa điện thoại và điện báo.
Edison nói với tờ The New York Times và một số tạp chí khác rằng, máy tính của ông sẽ đo lường các “đơn vị cuộc sống”, cái mà phân tán trong vũ trụ sau khi một người chết, qua đó có thể giao tiếp với các linh hồn.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi ông mất, người ta vẫn chưa được nhìn thấy chiếc máy nào có thể nói chuyện với người chết như ông từng tuyên bố.
2. Máy động đất của Nikola TeslaNikola Tesla (1856 - 1943) là nhà phát minh được biết đến với nhiều đóng góp mang tính cách mạng trong các lĩnh vực điện và từ trường cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với 700 bằng sáng chế phát minh.
Mặc dù bị coi là một nhà khoa học nổi tiếng “điên” nhưng Tesla đã góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp với những phát minh vĩ đại như dòng điện xoay chiều, tia X-quang…
Năm 1898, trong một lần thí nghiệm cộng hưởng từ, Tesla đã cộng hưởng tần số dao động của phòng thí nghiệm và gây ra một trận động đất kinh hoàng. Trận động đất này chút nữa đã đánh sập tòa nhà số 5 Đại lộ New York, nơi đặt phòng thí nghiệm của ông.
Sau đó, Tesla tuyên bố đã chế tạo một thiết bị nhỏ, khi lắp đặt và vận hành ở đâu thì sẽ làm cho khu vực xung quanh nó phải rung chuyển. Thiết bị này chỉ nặng vài kg, nhưng lại có thể tạo ra những dao động rất lớn khiến các cấu trúc lớn có thể bị sụp đổ. Thế nhưng, sau đó, chính Tesla đã phá hủy chiếc máy này vì nhận ra sự nguy hiểm mà nó có thể tạo ra.
3. Cừu nhiều núm vú của Alexander Graham BellAlexander Graham Bell (1847 - 1922) là nhà phát minh, nhà khoa học, nhà cải cách người Scotland. Ông được biết đến với rất nhiều phát minh vĩ đại như điện thoại, máy dò kim loại, xây dựng tàu ngầm… Nhưng ít ai biết, ông cũng có những phát minh khá kỳ quặc. Trong đó phải kể đến việc tạo ra cừu nhiều núm vú.
Năm 1886, trong kỳ nghỉ hè của mình trên đảo Cape Breton ở Nova Scotia (Canada), Bell bỗng chú ý đến những chú cừu của nhà hàng xóm. Ông thấy rằng, mỗi chú cừu chỉ có hai núm vú, vì vậy chúng gặp một số rắc rối trong việc “chăm” con. Nếu có thêm núm vú, cừu mẹ có thể gia tăng lượng sữa và chăm sóc được nhiều cừu con hơn cùng một lúc.
Điều này đã khiến Bell dành 30 năm cuối cùng của cuộc đời mình cùng
250.000 USD (khoảng 5,2 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại) cho việc nghiên cứu tạo ra giống cừu
nhiều hơn hai núm vú.
Sau năm đầu nghiên cứu, Bell đã tạo ra được giống cừu có trung bình 2,5 núm vú. Tới năm 1900 là 4,28 và năm 1910 là 6,1. Điều thú vị là các núm vú được thêm vào không làm gia tăng kích thước tuyến vú.
Đến nay, những chú cừu như vậy không còn mang tầm quan trọng thương mại nhưng phát kiến này của Bell đã để lại một ví dụ thú vị trong ngành tổng hợp giống.
4. Xe tăng bay của John Walter ChristieJohn Walter Christie (1865 - 1944) là một kỹ sư và nhà phát minh đại tài người Mỹ. Ông được biết đến nhiều như một nhà thiết kế xe tăng nổi tiếng của thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến.
Trong chiến tranh, do đường xá không thuận tiện cho việc cơ động xe tăng, Christie đã nghĩ ra một thiết kế xe giúp tăng cường tính cơ động cho loại vũ khí “bất khả xâm phạm” này, đó là xe tăng bay.
Năm 1932, Christie cho ra mắt xe tăng bay có tên gọi M.1932. Thực chất đây là loại xe tăng không tháp pháo, được làm từ thép và hợp kim duralumin (gồm nhôm, mangan và silic), nặng khoảng 4 tấn.
M.1932 được trang bị với các cánh bay và cánh quạt quay. Ban đầu, nó có thể được kéo đằng sau một chiếc máy bay lớn hoặc nằm trong “bụng” máy bay. Sau đó sẽ được “thả” và “lượn” từ từ xuống mặt đất.
Với bánh hơi, chiếc xe tăng này có thể đạt tới tốc độ 190 km/h, tương đương vận tốc của một chiếc xe đua. Khi chạy trên bánh xích, chiếc xe đạt tốc độ 90km/h.
Theo Christie, với tốc độ cao như vậy chiếc xe có thể bay qua nhiều chướng ngại vật nhân tạo và tự nhiên khi được trang bị thêm cánh. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Quốc phòng Mỹ quan tâm nên dần đi vào quên lãng.
Hiện nay, việc vận chuyển xe tăng không phải là vấn đề quá khó khăn, nhưng ý tưởng về một chiếc “xe tăng bay” của Christie vẫn còn ám ảnh nhiều nhà thiết kế vũ khí quân sự.
5. Thông điệp lửa của Joseph von LittrowJoseph von Littrow (1781 - 1840) là một nhà quý tộc người Áo và cũng là một nhà thiên văn học nổi tiếng. Những đóng góp của ông luôn được đề cao và có ý nghĩa to lớn trong ngành thiên văn học. Tuy nhiên, đôi khi ông cũng có một vài ý tưởng khá "điên rồ".
Từ lâu, con người trên Trái Đất luôn mong muốn có thể liên lạc được với sự sống trên các hành tinh khác. Vì vậy, một số nhà khoa học đã đề xuất một số cách có thể liên lạc với người ngoài hành tinh. Những đề xuất này dựa hoàn toàn vào tín hiệu hình ảnh, vì vào thời đó radio vẫn chưa ra đời.
Các nhà khoa học cho rằng, chúng ta có thể nhìn thấy được Mặt trăng hay Sao Hỏa qua các vật thể có kích thước và màu sắc tương phản. Joseph von Littrow hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó.
Ông đưa ra ý tưởng trút dầu lửa vào kênh đào tròn rộng 30km trên sa mạc Sahara. Vòng tròn lửa này sẽ được đốt lên vào buổi tối để ra tín hiệu về sự hiện diện của chúng ta đối với những sự sống khác trong vũ trụ.
Rõ ràng, ý tưởng của Littrow không hề dễ thực hiện và nó cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, ý tưởng này của Littrow nhanh chóng bị bác bỏ.
Bạn có thể xem thêm: