Xem quy trình chữa tủy răng khiến bạn... buốt hết cả răng

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 22/12/2015

Sau khi xem xong bài này, đố bạn dám lười đánh răng nữa đấy.

Đối với nhiều người, việc phải đi nha sĩ quả là một phần ký ức không mấy dễ chịu của tuổi thơ. Cũng dễ hiểu thôi, trẻ con nào cũng thích ăn kẹo ngọt nên rất dễ bị sâu răng.

Bị sâu răng lúc nhỏ đã đáng sợ, nhưng nếu răng bạn hỏng vào giai đoạn trưởng thành thì còn khủng khiếp hơn bởi bạn có thể sẽ phải trải qua quy trình chữa tủy răng vô cùng đáng sợ.

Quy trình đó như thế nào, hãy cùng thử xem qua bài viết dưới đây. Đối với những người... chưa sâu, quy trình này sẽ khiến cho bạn không bao giờ dám bị sâu nữa đâu.

Quy trình khoét tủy răng nhức buốt tận óc

Quy trình này yêu cầu phải can thiệp đến tủy răng - nơi chứa các dây thần kinh, thứ khiến bạn có cảm giác đau buốt. Chính vì thế, việc đầu tiên phải làm là gây tê.

Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ sử dụng khoan mũi thường và khoan mũi tròn để mở đường vào tủy.

Sử dụng khoan thường để mở đường vào trần tủy

Khoan mũi tròn được dùng để mở trần buồng tủy.

Sau khi trần buồng tủy đã mở, công việc tiếp theo là làm sạch tủy. Bước này được thực hiện bằng cách đưa các dụng cụ chuyên dụng trong nha khoa như thám trâm, các giũa cầm tay vào trong ống tủy.

Nhìn tưởng đơn giản, nhưng đây chính là giai đoạn "khoai" nhất, vì không phải ống tủy của ai cũng giống nhau có người thậm chí có khá nhiều ống tủy.

Nếu không lấy hết tủy bị sâu, bệnh nhân sẽ vẫn bị đau sau khi trám lại. Do đó, bước này yêu cầu bác sĩ phải có tay nghề thật vững và sử dụng các loại giũa với kích cỡ tăng dần nhằm tạo hình lại ống tủy.

Khi đã chắc chắn làm sạch ống tủy, các bác sĩ sẽ tiến hành hàn ống tủy bằng que gutta-percha và xi măng nha khoa.

Đo chiều dài ống tủy bằng trâm chuyên dụng

Gutta-percha - dụng cụ thuôn dài làm bằng cao su được sử dụng để hàn ống tủy.

Có thể dùng nhiều hơn một thanh gutta-percha để hàn chặt ống tủy

Sau khi đã hàn chặt, các đầu cao su sẽ được gỡ ra bằng một dụng cụ phát nhiệt. Dụng cụ này cũng có tác dụng giúp chất hàn dính chặt hơn.

Trong các loại hình chữa tủy thông thường tiếp theo sẽ là bước trám xi măng nha khoa vào lỗ khoan. Tuy nhiên giải pháp tối ưu nhất được các nha sĩ ưa chuộng là đặt thêm hai lõi thép để cố định răng trước khi trám xi măng và sấy khô bằng đèn.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, răng sẽ rất yếu do đã có tác động từ ngoại lực và có thể dễ dàng bị gãy khi vô tình cắn quá mạnh. 

Chính vì thế, các bác sĩ thường sẽ gọt bỏ phần răng bên ngoài để chụp lên đó một mũ răng nhân tạo bền vững hơn.

Và các bạn có thể thấy, phần chân tủy bị bệnh sẽ lành lại theo thời gian, do các lỗ tủy đã bị rút bỏ và bít kín hoàn toàn.

Để thấy rõ hơn quy trình này, xin mời bạn xem qua video sau đây.

 

Vậy phải làm gì để không bao giờ phải thực hiện quy trình "buốt óc" này?

Sâu răng là một cách gọi khác để chỉ răng bị hư, và nó thường hình thành từ thói quen ăn uống không lành mạnh và đặc biệt là chăm sóc răng miệng không kỹ càng.

Chính vì thế, để không bao giờ phải "khoan răng lấy tủy", hãy tập cho mình thói quen vệ sinh răng miệng như sau:

- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám.

- Ăn uống điều độ, cân bằng giữa đường và tinh bột - 2 thức rất "tốt" cho sự phát triển của sâu răng. Ngoài ra cũng nên hạn chế ăn vặt, vì khi ăn bất cứ thứ gì răng của bạn đã phải tiếp xúc với acid - không hề tốt cho răng.

- Sử dụng thuốc đánh răng/nước súc miệng có chứa Fluor. Chất này có tác dụng làm răng chắc khỏe hơn và ngừa được sâu răng.

- Dù muốn dù không thì bạn cũng nên... đi khám nha sĩ thường xuyên. Nếu phát hiện sâu răng từ sớm, bạn sẽ được chữa trị đơn giản hơn rất nhiều, thay vì quy trình "nhức óc" phía trên.

Nguồn: Million Pictures, Viral Thread....