Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết

H.Đ, Theo Pháp luật xã hội 00:00 13/02/2014

Ít ai biết rằng, tuyết không đơn thuần chỉ có màu trắng mà chúng còn "nhuốm" màu đỏ - vàng - đen nữa...

Do nhiệt độ toàn miền Bắc xuống thấp nên một số địa điểm ở vùng cao đã xảy ra hiện tượng băng giá. Băng giá đã phủ trắng đỉnh núi Mẫu Sơn, tạo nên hiện tượng thiên nhiên kỳ thú khiến nhiều người tưởng nhầm là tuyết.

Tuyết thông thường có màu trắng, đó là do khi tia sáng Mặt trời "chạm" vào tuyết, nó bị tán xạ bởi vô số những tinh thể băng và túi khí bên trong. Lúc này, gần như toàn bộ tia sáng bị bật ngược trở lại, ra khỏi hạt tuyết. Vì thế, tuyết giữ nguyên màu sắc của ánh sáng Mặt trời là màu trắng. 

Tuy nhiên, tuyết còn có những màu sắc kỳ lạ hơn mà không phải ai cũng biết, như đỏ, vàng, đen… và được hình thành chủ yếu “nhờ” bàn tay con người. Hãy cũng tìm hiểu những màu sắc kỳ lạ khác của tuyết theo tổng hợp từ trang About Chemistry dưới đây. 

1. Tuyết xám và tuyết đen

Hẳn nhiều người cho rằng, tuyết có màu đen thật phi lý, nhưng hiện tượng lạ này đã vừa xảy ra tại thành phố Omsk, phía Tây Siberia. Nguyên nhân hình thành màu tuyết kỳ lạ này được cho là do khí thải từ nhà máy nhiệt điện TPP-5 gây ra. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 1

Nhà máy này hoạt động với công suất tối đa suốt các giai đoạn lạnh nhất trong năm. Các khí thải được sinh ra từ hoạt động quá tải của nhà máy ngưng tụ và "rơi" xuống cùng với tuyết trắng.

Ở một số khu vực khác của Nga, như vùng Volzhsk cũng từng xuất hiện tuyết màu đen hoặc có xám. Theo nhận định chung của các khoa học gia thì ô nhiễm không khí chính là thủ phạm của hiện tượng này. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 2

Ô nhiễm không khí xảy ra thường do hoạt động của các nhà máy khai thác sản xuất than đá, nhà máy nhiệt điện… xả khói chứa bụi và chất hóa học vào bầu không khí. Sự có mặt của các chất cacbon monoxit (CO), dioxit lưu huỳnh, chất chlorofluorocarbons (CFCs), khí NO2 có trong chất thải của công nghiệp và xe cộ khiến bầu không khí có mùi khó chịu và giảm tầm nhìn xa.

2. Tuyết đỏ

Nếu bạn có dịp leo núi Nevada của Mỹ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng loại tuyết có màu đỏ tuyệt đẹp. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 3
Loại tuyết này có màu đỏ, hình dạng xốp xốp như dưa hấu

Loại tuyết này được gọi là “tuyết dưa hấu” - watermelon snow có lẽ do màu sắc và vẻ ngoài xốp xốp như ruột của quả dưa hấu vậy. "Tuyết dưa hấu" còn có tên gọi khác là “tuyết tảo”- algae snow sở dĩ là bởi màu đỏ trong tuyết được hình thành nhờ loại tảo cực nhỏ Chlamydomonas phát triển bên dưới lớp tuyết. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 4

Theo các nhà nghiên cứu, bên trong tảo Chlamydomonas có chứa diệp lục màu xanh, nhưng đồng thời bao hàm một lượng carotenoid mang sắc tố đỏ. Carotenoid là một dạng sắc tố hữu cơ có vai trò bảo vệ tảo khỏi tia cực tím từ Mặt trời. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 5

Điều này cũng lý giải vì sao tuyết dưa hấu chủ yếu được tìm thấy ở các vùng núi cao, ở độ cao 3.000 - 3.600m, hoặc các vùng cực, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Mặt trời, khiến tảo phải đẩy mạnh sản xuất carotenoid. 

Tuyết màu đỏ cũng từng xuất hiện tại thành phố Buffalo, New York (Mỹ) nhưng là do các công nhân phá hủy một nhà máy sản xuất đồ ăn nhuộm màu đỏ. Đường ống chứa 2,3kg chất tạo màu đỏ đã vỡ và chảy xuống tuyết, tạo nên một màu đỏ hồng rất đẹp. Tuy nhiên, tuyết này không hại gì cho sức khỏe của con người.

3. Tuyết màu vàng

Tảo cũng có thể “nhuộm” màu vàng cho tuyết nhờ vào sắc tố của nó. Tuy nhiên, việc tuyết có màu vàng chủ yếu là do ô nhiễm không khí. Tại đảo Sakhalin của Nga, người dân đã từng chứng kiến một trận tuyết có màu vàng kì ảo rơi xuống. 

Các chuyên gia nhận định, chất thải do các nhà máy lọc dầu và khí đốt đã bám vào mây, rồi theo tuyết rơi xuống. Do đó, tuyết vàng được đánh giá là cực độc.

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 6

Bên cạnh đó, theo các khoa học gia, những trận bão cát cũng có thể tạo nên tuyết vàng. Năm 2006, một đợt tuyết có trộn lẫn bụi và cát vàng từ miền Bắc Trung Quốc thổi sang đã rơi xuống Seoul, Hàn Quốc. Loại tuyết vàng này thì không độc, nhưng chúng lại có thể gây kích ứng cho cơ thể với những ai có làn da nhạy cảm.

4. Tuyết màu cam

Năm 2007, tuyết màu cam đã rơi tại 3 vùng rộng hơn 1.500km vuông thuộc Siberia, Nga. Tuyết màu cam nhìn rất đẹp, lung linh, nhưng được đánh giá là nguy hiểm còn hơn tuyết vàng. Chúng rất trơn, dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện khi di chuyển, đồng thời có mùi hôi vô cùng khó chịu. 

Xem hiện tượng tuyết rơi "bảy sắc cầu vồng" ít người biết 7

Theo nhận định ban đầu của cơ quan giám sát môi trường Nga, tuyết có màu cam lạ này có thể là do đã bị ô nhiễm từ các nhà máy lọc dầu. Tiến hành kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy, nồng độ acid, nitrate và các ion sắt ở tuyết màu cam cao gấp 4 lần tuyết tự nhiên. 

Tuy nhiên sau đó, tuyết màu cam được xác định là không độc hại. Dẫu vậy, người dân địa phương được khuyến cáo là không nên cho vật nuôi ăn thức ăn có lẫn tuyết. Sau này, khi xác định phần lớn tuyết đều lẫn đất sét và cát, các chuyên gia ước đoán, nguyên nhân của hiện tượng này do bão cát từ Kazakhstan, nước láng giềng của Nga thổi đến.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Chemistry, Wikipedia...