Tuyết rơi vốn là một hiện tượng thời tiết hết sức bình thường trên thế giới. Nhưng nếu tuyết rơi ở những vùng đất quanh năm nắng nóng hay bỗng dưng dày đặc bất thường trong nhiều năm lại gây ra nhiều sự tò mò, hiếu kỳ nhất định.
Vừa qua, hiện tượng tuyết rơi ở Ai Cập, thánh địa Jerusalem hay dày đặc bất thường tại Sa Pa (Việt Nam) là một minh chứng cho nhận định trên. Hãy cùng tìm hiểu sâu xa nguyên nhân thật sự của hiện tượng thời tiết này…
Tuyết rơi từ quê hương của các Pharaoh…
Người ta thường biết tới Ai Cập với hình ảnh những sa mạc rộng lớn và khí hậu vô cùng oi bức, nắng nóng. Thế nhưng, chỉ cách đây chưa đầy một tuần, cả thế giới đã được chiêm ngưỡng cảnh tượng xảy ra lần đầu tiên trong 112 năm qua: tuyết rơi ở xứ sở kim tự tháp.
Đúng vào thứ 6 ngày 13 vừa qua, một trận bão tuyết tồi tệ với cái tên Alexa đã đổ bộ vào khu vực Trung Đông, quét qua thủ đô Cairo (Ai Cập), thánh địa Jerusalem và một vài khu vực của đất nước Syria và gây ra những tác động đáng kể tới thời tiết.
Nhiệt độ hạ xuống rất thấp, thậm chí dưới 0 độ C và làm tuyết rơi ngay tại thủ đô Cairo. Tuyết đã chất thành những lớp rất dày và kéo theo nhiều hệ lụy xấu như mất điện, giao thông bị cản trở…
Giao thông ách tắc bởi tuyết rơi quá dày ... thánh địa tôn giáo cũng ngập trong tuyết…
Jerusalem - vùng đất thánh của ba tôn giáo Do Thái, Cơ Đốc và Hồi giáo cũng chịu chung số phận như Ai Cập. Do ảnh hưởng của cơn bão tuyết Alexa, sau 60 năm, bầu trời Jerusalem lại "đổ tuyết" ngay trước dịp lễ Giáng sinh.
Tuyết ở Jerusalem chất dày tới 50cm, kéo theo thời tiết mùa đông cực kỳ khắc nghiệt với nền nhiệt độ rất thấp. Đồng thời những làn sóng người tị nạn từ Syria cũng như tình trạng giao thông ách tắc do tuyết đang khiến thánh địa này rơi vào tình trạng đáng báo động.
Lâu lắm rồi, người dân Jerusalem mới được đón Giáng sinh trong không khí tuyết rơi.
Nhưng đổi lại, giao thông, điện đài của thành phố này chịu thiệt hại nghiêm trọng từ bão tuyết.... đến hiện tượng tuyết rơi bất thường ở Sa Pa
Những năm trở lại đây, hình ảnh tuyết ở Sa Pa không còn là hình ảnh quá đỗi xa lạ. Thế nhưng trong dịp gần đây, lượng tuyết rơi dày đặc, phủ kín khung cảnh ở Sa Pa lại đang gây nên một làn sóng dư luận hiếu kỳ, tò mò không nhỏ ở Việt Nam.
Khác với các năm trước chỉ dừng ở mức độ băng tuyết, từ sáng ngày 15/12, tuyết bắt đầu rơi dày khắp bầu trời Sa Pa. Nhiệt độ giảm mạnh tại nhiều khu vực như Thác Bạc hay đèo Ô Quý Hồ làm tuyết rơi ngày một dày đặc, tạo nên một khung cảnh rất “châu Âu”.
Giả thuyết khoa học đằng sau hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ…
Đằng sau vẻ đẹp và khung cảnh lãng mạn mà tuyết rơi mang lại, nhiều người lo ngại đây là một biểu hiện không tốt mà biến đổi khí hậu đã gây ra. Bản thân tuyết rơi chỉ hình thành trong trường hợp có sự kết hợp giữa không khí lạnh ở tầng thấp kèm theo dòng tuyết ở trên cao.
Đây là một điều hiếm khi xảy ra tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Ai Cập… Cụ thể, trong các đám mây với nhiệt độ dưới -10°C, các phân tử nước tụ hợp lại và hình thành tinh thể đá nhỏ, kích thước ban đầu khoảng 0,1mm. Các tinh thể này dần tăng trọng lượng và rơi xuống dưới.
Cơ chế hình thành tuyết rơi. Hình dáng, kích thước của bông tuyết phụ thuộc vào nhiệt độ. Tuy nhiên, tại khu vực Trung Đông, nguyên nhân chính gây ra trận tuyết trăm năm mới có một lần chính là cơn bão Alexa. Trong khi đó, ở Sa Pa vừa qua, thời tiết hội đủ cả 2 yếu tố nêu trên, dẫn tới hệ quả tất yếu là những trận mưa tuyết dày đặc.
Tầm hoạt động của cơn bão tuyết Alexa tại khu vực Trung Đông.
Theo nhiều chuyên gia, những hiện tượng như thế này không có tính quy luật. Nó là biểu hiện của những hình thái thời tiết cực đoan mà
biến đổi khí hậu Trái đất gây nên.
Biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân của những hiện tượng thời tiết trên.
Bên cạnh khía cạnh hình ảnh mang lại khung cảnh rất đẹp và lạ thì những trận tuyết như thế này để lại rất nhiều hậu quả cho sản xuất nông nghiệp, giao thông… Đồng thời, trong những năm tới, tình hình thời tiết sẽ trở nên cực đoan và khắc nghiệt hơn nên có thể, tuyết rơi sẽ không còn là điều hiếm gặp nữa.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Wunderground, Mirror, Nine MSN, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: