Một bài báo mới đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã công bố kết quả nghiên cứu về một loại
virus gây bệnh ở
sao biển.
Chúng được xác nhận là Sea Star Associated Densovirus (SSaDV) – thủ phạm khiến hàng triệu cá thể sao biển bên bờ biển từ Baja, California tới nam Alaska tử vong. Đây là một loại virus thuộc họ parvovirus, được tìm thấy trong xương sống và các đoạn gene của các “nạn nhân” sao biển đã tử vong.
Đặc biệt, SSaDV là loại virus đầu tiên được phát hiện gây bệnh trên sao biển.
Cận cảnh một cá thể sao biển nhiễm virus đang chết dần chết mòn
Ban đầu, việc tìm kiếm virus này gần như là "mò kim đáy bể" bởi theo chuyên gia Ian Hewson, “có khoảng 10 triệu virus khác nhau chỉ trong một giọt nước biển”.
Tuy nhiên, may mắn là virus SSaDV được tìm thấy trong một số mẫu vật sao biển từ năm 1942, 1980, 1987 và 1991. Ngoài ra, nước biển, sinh vật phù du, các loại trầm tích, nhím biển cũng cho thấy dấu vết của loại virus này.
Nhờ đó mà các chuyên gia sinh vật học có thể định danh loài virus sát thủ trên. Theo họ, thực ra virus này đã gây bệnh trên sao biển từ rất lâu, song do không gây bùng phát thành dịch ở quy mô lớn như hiện nay nên thường không được lưu tâm.
Xét về cơ chế tấn công, SSaDV khi xâm nhập cơ thể sao biển sẽ khiến mọi cơ quan nội tạng của loài này bị phá hủy và thoát ra bên ngoài qua da.
Hậu quả tất yếu là cái chết của một trong những sinh vật săn mồi nổi tiếng của đại dương, đặc biệt ở các khu vực có thủy triều.
Đồng tác giả của nghiên cứu - Drew Harvell - giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa khẳng định, sao biển là một trong những loài vật cực kì quan trọng (keystone specie) trong việc duy trì sự ổn định hệ sinh thái biển cả. Vì vậy, việc tìm ra virus SSaDV là “phát hiện thế kỷ của các nhà sinh thái biển”.
Giám đốc Quỹ Khoa học dành cho nghiên cứu khoa học đại dương Mỹ, ông David Garrison cho hay: “Nghiên cứu này là một phản ứng rất nhanh của giới khoa học, đóng góp đáng kể trong việc hiểu rõ căn bệnh đang giết chết hàng triệu cá thể sao biển ở Mỹ”.
Nguồn: Futurity