Trước tiên phải xem tận mắt "siêu nhân" bay lượn rất điệu nghệ trên không trung nhé!
Các nhà khoa học mới tìm hiểu được làm thế nào mà rắn bay có thể tung mình trong không trung ở khoảng cách dài. Bí quyết của chúng có vẻ nằm ở động tác trượt mình trong suốt quá trình trên không.
Năm loài rắn sống trên cây sống ở Nam Á và Đông Nam Á có thể bay bằng cách quăng mình từ tổ của chúng và kết thúc chuyến đi trên một cành cây hay thậm chí là một cái cây khác. Người ta hy vọng rằng những nghiên cứu về khả năng bay của loài rắn sẽ giúp ích cho việc chế tạo máy bay trong tương lai của quân đội.
Các nhà khoa học đã quay phim quá trình bay của rắn khi chúng phóng từ trên một thanh ngang gắn ở đỉnh tháp cao 15m. Các đoạn bằng đó được phân tích tỉ mỉ và từ đó người ta biết rằng rắn đã tự làm dẹt cơ thể mình và tự tạo thành hình những đợt sóng ở tốc độ cao.
Nói cách khác, lũ rắn đã biến toàn bộ cơ thể chúng thành những chiếc cánh liên tục chuyển động và thay đổi hình dạng. Những chuyển động rất kỳ lạ đó đã tạo ra hiệu ứng khí động và nhờ thế, rắn bay có thể di chuyển từ trên ngọn cây cao tới hơn 60m tới một điểm cách đó tới gần 300m.
Người ta đã gắn các điểm màu trắng lên thân rắn trước khi cho chúng bay và dùng tới 4 camera để ghi lại cả quá trình đó. Nhờ thế, họ biết rõ vị trí của rắn trên không trung cũng như từng động tác của chúng. Sau khi đã có dữ liệu, các nhà khoa học xây dựng lại tất cả thành hình ảnh 3D để hiểu rõ hơn về các lực tác động lên cơ thể rắn khi chúng đang bay.
Kết quả rất đáng ngạc nhiên là rắn không bao giờ đạt tới trạng thái cân bằng lực trong quá trình đó. Những lực do con rắn sinh ra không thể hoàn toàn triệt tiêu trọng lực có xu hướng kéo nó xuống đất. Tuy nhiên, hiệu ứng khí động do các chuyển động của rắn tạo ra lại lớn hơn trọng lực và vì thế, có những thời điểm rắn “có thể” bay lên cao hơn điểm xuất phát. Đáng tiếc là những lực biến mất rất nhanh, nếu không chúng ta đã có những loài rắn bay lượn không khác gì chim.
Dù sao thì chúng ta cũng phải tròn mắt mà ngạc nhiên khi chứng kiến một sinh vật bò trườn nổi tiếng bỗng nhiên thực hiện các chuyến bay một cách hoàn toàn thoải mái và tự nhiên. Ngay cả động tác tiếp đất của rắn cũng rất khác biệt khi chúng giữ mình nghiêng khoảng 25 độ so với đường bay và phần thân trước hoàn toàn đứng yên.
Một số con rắn còn có thể đổi hướng trong khi bay, chúng cũng biết lợi dụng việc rơi tự do trong thời gian ngắn để tăng tốc trước khi uốn mình và bay một cách ổn định trong không khí. Loài rắn này sống trên cây trong phần lớn thời gian cuộc đời, dài từ 60 tới 90cm và có độc.