Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Bảo tàng Động vật học Lausanne đã đưa ra thông báo rằng, họ đang tìm kiếm các vật liệu di truyền (ví dụ như tóc, da, mẫu máu) để chứng minh sự tồn tại của các sinh vật kì lạ như “quái vật” chân khổng lồ (Bigfoot).
Theo trang Discovery, trong năm 2008, chương trình truyền hình Destination Truth đã tìm được một sợi tóc được coi là sợi tóc của
Yeti (trước đây gọi là Người Tuyết). Tuy nhiên, báo cáo xét nghiệm ADN của sợi tóc này đã không được công bố công khai. Sau đó, người ta tìm thấy một ngón tay dài được khẳng định là từ một Yeti tại một tu viện ở Nepal. Xét nghiệm ADN đã làm sáng tỏ bí ẩn hàng thập kỉ này khi khẳng định rằng ngón tay là của một con người, có lẽ là một tu sĩ.
Trong năm vừa qua, tiến sĩ Melba Ketchum kiêm bác sĩ thú y đã tuyên bố nắm trong tay bằng chứng về ADN của Bigfoot. Ketchum cũng hứa hẹn sẽ công bố sớm bằng chứng nhưng cho đến nay, kết quả nghiên cứu này vẫn chưa xuất hiện trên bất kì một tạp chí chuyên ngành nào. Và câu chuyện về Bigfoot vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học.
Bằng chứng về ADN được coi là bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh được sự tồn tại của Bigfoot. Tuy nhiên, câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chúng ta không hề có một mẫu tham chiếu ADN nào của Bigfoot. Vì vậy, rất khó có thể đưa ra kết luận về sự tồn tại của sinh vật này.
Trong nhiều thập kỉ, nghiên cứu về Bigfoot đã bị cản trở bởi những bằng chứng giả dối, được báo chí thổi phồng. Trong cuốn sách Big Footprints của mình, nhà nghiên cứu Grover Krantz lên tiếng cáo buộc các mẫu tóc, phân, da và máu của Bigfoot đều thuộc về các sinh vật khác.
Tóc của Bigfoot hóa ra là lông của bò rừng, gấu hay nai sừng tấm. Mẫu máu của Bigfoot thì được tiết lộ là chất lỏng từ động cơ xe hơi … Với sự “ra quân” lần này của các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Oxford-Lausanne, hi vọng bí ẩn về Bigfoot sẽ có lời giải đáp rõ ràng và thỏa đáng.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Những suy đoán sai về người ngoài hành tinh |
Dù phim ảnh có nói gì thì bất kỳ người ngoài hành tinh nào tới Trái đất cũng sẽ không tiêu diệt hay biến con người trên Trái đất trở thành nô lệ của họ, chuyên gia "săn người ngoài hành tinh" Jill Tarter nói.
Người ngoài hành tinh trong nhiều tác phẩm điện ảnh như Battleship (Chiến hạm) và Men in Black 3 (Điệp viên áo đen 3) đều được mô tả là những kẻ sẽ khủng bố Trái đất. Nhưng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có thể rất xa với thực tế trong việc mô tả chân dung người ngoài hành tinh - chuyên gia Tarter (người vừa thông báo sắp nghỉ hưu sau 35 năm quét bầu trời để truy tìm cuộc sống ngoài Trái đất) nhận xét.
Một cựu quân nhân Mỹ đối mặt với người ngoài hành tinh trong phim Battleship.
Quan điểm của Tarter ngược với nhà vật lý danh tiếng người Anh Stephen Hawking, người cảnh báo rằng những nền văn minh ngoài Trái đất có thể đến Trái đất để tìm kiếm tài nguyên.
“Ngài Stephen Hawking cảnh báo người ngoài hành tinh có thể chế ngự, chiếm đóng Trái đất, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý. Nếu người ngoài hành tinh có thể đến đây thì mục đích đơn giản chỉ để khám phá. Hãy nghĩ đến tuổi của vũ trụ, chúng ta sẽ không phải là hành tinh đầu tiên mà họ gặp,” bà Tarter nói.
Tarter, các nhà khoa học, nhiều họa sĩ và những người trong ngành công nghiệp giải trí sẽ tụ họp vào tháng tới tại Santa Clara, California để thảo luận sâu về những vấn đề xung quanh người ngoài hành tinh, vị trí của con người trong vũ trụ và tương lai của việc tìm kiếm cuộc sống ngoài trái đất.
Bà Tarter sắp nghỉ hưu nhưng sẽ tiếp tục tìm kiếm người ngoài hành tinh. Bà vẫn tiếp tục làm việc cho Viện SETI, cơ quan vừa phải đóng cửa dàn kính viễn vọng Allen Telescope Array vì thiếu ngân sách hoạt động.
(Nguồn tham khảo: Racked)
Mối quan hệ quá gần gũi giữa con người với loài chó chính là lý do khiến lịch sử phát triển của chúng còn nhiều điều bí ẩn, phần lớn vẫn chỉ dựa theo phỏng đoán từ các nhà nghiên cứu. “Mối quan hệ ấy đã xóa sạch hoàn toàn những thông tin về nguồn gốc cũng như lịch sử sơ khai của loài chó ngày nay”, nhà sinh học tiến hóa Greger Larson tại Đại học Durham (Anh), cho biết.
Chó là động vật đầu tiên được con người thuần hóa. Tuy nhiên, hiểu biết của chúng ta mới chỉ dừng lại ở đó, còn thời gian chính xác cũng như việc có bao nhiêu quần thể chó sói khác nhau góp phần vào sự gia tăng số lượng chó hiện đại trên toàn cầu thì vẫn là 2 trong số rất nhiều câu hỏi chưa được giải quyết rõ ràng.
Salukis - một trong những giống chó có nguồn gốc bí ẩn nhất.
Cách đây khoảng 15.000 năm hoặc có thể hơn, lịch sử di truyền loài chó là một “mớ hỗn độn”. Quá trình chọn lọc giống đã diễn ra, con người đưa chúng đi khắp nơi trên toàn thế giới, một số giống thậm chí đã biến mất.
Nguồn gốc di truyền càng đặc biệt khó hiểu ở một số giống chó hiện đại gồm Akitas, chó săn Afghanistan, Shar-Pei Trung Quốc, Basenjis, Salukis. Những thông tin về chúng dù chỉ tính từ một vài nghìn năm trước nhưng cũng không có nhiều và như vậy, người ta chẳng biết chúng gần gũi với những con chó nhà đầu tiên hơn hay là giống chó hiện đại hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu di truyền từ 1.375 con chó đại diện cho 35 giống, trong đó có 6 giống “cổ”. Lập bản đồ địa điểm xuất hiện các loài được thuần hóa dựa trên bằng chứng khảo cổ học cũng như phạm vi sinh sống của chó sói – tổ tiên chó hiện đại, họ nhận thấy phần lớn các giống “cổ” đều không xuất phát từ các vùng đó. Điều này đã gây trở ngại cho việc xác định lịch sử ban đầu của chúng bao gồm nơi chốn, thời điểm…
Tuy nhiên, những công nghệ và kỹ thuật sắp xếp trình tự di truyền sẽ mở ra khả năng giải đáp tất cả những câu hỏi từng thách thức các nhà nghiên cứu trong một thời gian dài.
(Nguồn tham khảo: Đất Việt)
Sâu đe dọa Thế vận hội London 2012 |
Sâu độc hại là "khách không mời" của Thế vận hội 2012 tại London, bởi theo dự báo của các chuyên gia thì mùa đông năm nay ở Anh khá ấm áp.
Đường diễu hành của các đoàn vận động viên và khách về dự Olympic được che phủ bởi những cây sồi, mà trên những tán lá sồi đó là nơi một loại sâu độc làm tổ và sinh sống. Đây là loại sâu róm, mỗi con có tới 63.000 sợi lông có chứa chất độc.
Những sợi lông độc này rất có thể sẽ bị các du khách hít phải hoặc rơi rụng vào đầu tóc, áo quần của họ. Lông của sâu có thể gây ra các cơn hen suyễn, phát ban trên da, đau họng, chảy nước mắt.
Sâu róm độc sống trên cây sồi xuất hiện từ năm 2006, khi Anh nhập những cây sồi giống từ Hà Lan mà không kiểm dịch kỹ càng. Bởi vậy, chúng đã mau chóng lan rộng khắp khu vực. Mặc dù các nhà chức trách đã tiêu hủy hơn 700 tổ sâu độc hại này, nhưng sự phát triển của chúng vẫn đáng lo bởi mùa đông vừa qua ấm áp bất thường. Thực tế không dễ gì diệt hết tận gốc loài sâu độc hại này.
Loài sâu róm này chẳng những đe dọa sức khỏe con người, mà chúng còn có thể ăn trụi lá những cây sồi trên khắp đường phố của London. Sồi bị ăn trụi lá chỉ vài ba năm là chết, gây thiệt hại khôn lường cho môi trường xung quanh.
Những người yêu thích thể thao, hãy chuẩn bị cho mình đề phòng sự kiện đặc biệt này. Song không có gì phải hoảng sợ, bởi cũng chỉ phiền phức một chút nếu bị trở thành “nạn nhân” của chúng. Tuy nhiên, bạn nên biết để mà tránh. Nếu thấy sâu độc hại, bạn nên báo cho các nhà chức trách để họ tiêu diệt. Nếu bị phát ban, bạn có thể dùng các loại kem kháng histamin, và nếu triệu chứng nặng hơn thì hãy nhờ các cơ quan y tế chăm sóc.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)