Truy tìm "Bộ tứ siêu đẳng" ngoài đời thực trong thế giới động vật

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:35 27/08/2015

Một số loài sinh vật trong tự nhiên có thân hình dẻo như cao su, tàng hình hoặc phát sáng - giống như nhân vật trong phim "Bộ tứ siêu đẳng".

Trong bộ phim “Bộ tứ siêu đẳng”, một nhóm 4 nhà nghiên cứu thực hiện chuyến du hành vượt chiều không gian đã nhiễm phải bức xạ tại chiều không gian mới. Sau khi trở về, mỗi người trong họ cảm nhận được bản thân đang có những siêu năng lực phi thường.

Một hình ảnh trong phim "Bộ tứ siêu đẳng"
 
Dù những anh hùng này là sản phẩm hư cấu nhưng năng lực đặc biệt của họ lại có thực ở một số loài động vật trong tự nhiên. Hãy cùng xem qua bài viết sau để biết rõ hơn đó là những loài vật “siêu đẳng” thế nào.
 
1. Bạch tuộc và thủ lĩnh người cao su
 
150826fantastic02-c3239
Thủ lĩnh Reed Richard trong "Bộ tứ siêu đẳng" với cơ thể cao su
 
Nhân vật thủ lĩnh Reed Richards trong phim sở hữu cơ thể dẻo như cao su sau khi trải qua tai nạn trên vũ trụ. Bước ra khỏi những hư cấu từ màn ảnh rộng, loài bạch tuộc trong tự nhiên cũng có một cơ thể co giãn siêu hạng.
 
150826fantastic03-88ba2
Bạch tuộc cũng có khả năng co giãn cơ thể rất đáng nể

Với một cơ thể mềm, không xương, loài vật này có thể chui qua những không gian nhỏ hơn cơ thể của chính chúng nhiều lần. Một con bạch tuộc khổng lồ nặng 272 kg có thể chui lọt một lối đi có kích cỡ chỉ bằng 1/4 kích thước cơ thể.

James Wood, một nhà bạch tuộc học cho biết khả năng kỳ lạ của loài này dựa vào việc chúng có một bộ xương “thủy tĩnh" - hydrostatic skeleton. Theo đó, thay vì có nhiều bộ phận cứng như xương sườn hoặc vỏ giống các loài vật khác, bạch tuộc duy trì và biến đổi hình dạng của chúng bằng cách ép nước qua các bộ phận bên trong cơ thể. 

Toàn bộ cơ thể bạch tuộc giống như một khối đàn hồi của cơ bắp và nước, ngoại trừ một bộ phận cứng duy nhất có hình dạng giống mỏ vẹt nằm phía dưới đầu của chúng.

 
Cũng theo Wood, vì cơ thể bạch tuộc có tính đàn hồi cao nên chúng ta chỉ có thể dùng cân nặng để miêu tả độ lớn chứ khó có thể xác định kích thước của một chú bạch tuộc chính xác là bao nhiêu.

Bên cạnh khả năng co giãn “vô đối” của mình, bạch tuộc còn sở hữu hệ thống tế bào lớn ở mỗi xúc tu. Khi bạch tuộc bị đối thủ cắn đứt xúc tu, chiếc xúc tu bị đứt sẽ tiếp tục ngọ nguậy, thậm chí thay đổi màu sắc nhằm đánh lạc hướng kẻ thù.
 
2. Cá trong suốt và Cô gái tàng hình
 
Tạo hình của Sue Storm trong phim với khả năng vô hình

Trong phim, nhân vật Sue Storm sở hữu siêu năng lực có lẽ được rất nhiều người khao khát - khả năng bẻ cong ánh sáng để trở nên vô hình. 

Loài người trên thực tế không có khả năng này, tuy nhiên nếu Sue Storm quyết định lặn xuống dưới đáy biển, hẳn cô sẽ thấy rất nhiều “đồng nghiệp” của mình ở đây.
 
 Một số loài động vật có khả năng "tàng hình" dưới đại dương

Theo như Sönke Johnsen - giáo sư sinh vật học tại ĐH Duke, Bắc Carolina, khoảng 50% các loài động vật sống ở độ sâu 1.000 m dưới mực nước biển có cơ thể trong mờ. Theo đó, những cơ thể này khi ở trong nước có thể thực sự trở nên vô hình.

Giáo sư Johnsen cho biết, khi bỏ một chú cá trong mờ vào một chậu nước, bạn có thể nhìn thấy bóng của chú cá do ánh sáng chiếu vào nhưng bạn không phát hiện ra được điều gì tạo nên cái bóng đó.
 
 
Để có khả năng vô hình, các loài động vật biển có một số đặc điểm cụ thể. Đầu tiên, cơ thể của chúng không có bất kỳ sắc tố màu nào. 

Thứ hai, cấu tạo cơ thể phải mỏng để tránh sự tán xạ ánh sáng. Với một cơ thể mỏng và trong mờ, ánh sáng sẽ dễ dàng đi qua, khiến chúng gần như trở nên vô hình. 

Ngoài ra, để ngăn chặn sự phản chiếu của ánh sáng trên bề mặt cơ thể, những động vật vô hình có một lớp da bên ngoài khá sần sùi, giúp ranh giới giữa cơ thể và nước trở nên mềm mại hơn.
 
Sứa là một trong những loài có cơ thể gần như trong suốt dưới nước
 
Tuy nhiên, theo giáo sư Johnsen khả năng này gần như không tồn tại ở các loài sinh vật trên cạn do chúng cần có sắc tố màu để bảo vệ cơ thể tránh khỏi tia cực tím. 

Trong khi đối với các động vật thủy sinh, bản thân môi trường nước đã là một lá chắn tia cực tím hữu hiệu. Ngoài ra, ánh sáng khi đi qua nước đã bị bẻ cong một phần, giúp các loài thủy sinh ngụy trang dễ dàng hơn so với động vật trên cạn.

 Ngắm nhìn loài cá tàng hình trong nước
 
3. Đom đóm, giun Pompeii và "Người đuốc"
 
Nhân vật "Người đuốc" Johny Storm trong phim là một trong những anh hùng nổi bật nhất với khả năng tự bốc cháy và tỏa ra ánh sáng rực rỡ.

150826fantastic04-a7ea4
Nhân vật "Người đuốc" trong "Bộ tứ siêu đẳng"

Trong thực tế, nếu gạt sang một bên yếu tố viễn tưởng về khả năng bốc cháy, thì con người không thể tự phát sáng. Tuy nhiên, nhiều sinh vật trong tự nhiên lại có khả năng này - bằng cách sử dụng phản ứng hóa học đơn giản từ hóa chất trong cơ thể chúng.

Một ví dụ điển hình là đom đóm. Đom đóm có khả năng tự phát sáng ở phần thân dưới bằng cách sử dụng phản ứng tạo ra ánh sáng với các thành phần: oxy, ATP (adenosine triphosphate - một dạng phân tử lưu trữ năng lượng),  canxi, magie và enzyme luciferase. Bên cạnh đó, chúng có thể chớp tắt ánh sáng nhờ khả năng kiểm soát lượng oxy đi vào "buồng phản ứng" trong cơ thể.
 
150826fantastic06-1c3a5
Đom đóm có thể phát sáng nhờ các phản ứng bên trong "buồng hóa chất" nhằm tìm kiếm bạn tình, báo động về kẻ săn mồi.
 
Đối với các sinh vật biển, hiện tượng phát quang sinh học là phổ biến. Các phản ứng enzyme tương tự cũng xảy ra dù cho thành phần phản ứng có khác biệt.
 
150826fantastic05-a7ea4
Sâu Pompeii - loài sâu có thể sống ở nơi có nhiệt độ lên tới 85 độ C

Bên cạnh khả năng phát sáng, "Người đuốc" trong phim còn có thể chịu được nhiệt độ cao. Còn trong tự nhiên, loài vật có khả năng đó là sâu Pompeii - tên khoa học là Alvinella pompejana. Chúng sinh sống trong các rãnh thủy nhiệt dưới đáy biển, nơi luôn có nhiệt độ khoảng 85 độ C.
 
4. Tatu và "Người đá"
 
 Tạo hình "quái vật đá" Ben Grimm

Trong số bốn anh hùng của Marvel, nhân vật Ben Grimm đã trải qua những biến đổi khó khăn nhất khi biến thành một "quái vật đá" đúng nghĩa. Ben đã luôn khó chịu khi chứng kiến cảnh người khác ghê sợ ngoại hình của mình. Nhưng có lẽ nỗi cô đơn trong anh sẽ vơi bớt khi biết trong tự nhiên cũng có một loài động vật giống mình, đó là Tatu.

Tatu - còn gọi là Armadillo - là loài thú được tìm thấy tại Châu Mỹ. Tatu sở hữu một bộ giáp cứng như đá nhưng lại rất linh hoạt để bảo vệ bản thân khỏi những răng nanh, móng vuốt của các động vật săn mồi.
 
Tatu với bộ giáp đặc biệt của mình

Khả năng bảo vệ cao cùng tính linh hoạt của bộ giáp tatu là nguồn cảm hứng cho một số kỹ sư chế tạo ra áo giáp cho con người, như bộ giáp của Francois Barthelat do kỹ sư cơ khí tại ĐH McGill ở Canada nghiên cứu. 

Theo Barthelat, cấu trúc áo giáp phỏng theo cấu tạo của tatu không những nâng cao khả năng phòng vệ mà còn giúp người bên trong cử động dễ dàng, linh hoạt hơn rất nhiều.
 
Bộ giáp cứng cáp nhưng rất linh hoạt, giúp Tatu có thể cuộn tròn một cách dễ dàng
 
Hiện tại phòng thí nghiệm của Barthelat đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu, sử dụng vật liệu gốm in 3D theo các kiểu dáng và cách sắp xếp khác nhau, sau đó mô hình hóa trên máy tính. 

Những mô hình này rồi đây sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về cấu trúc giáp của tatu, từ đó mở ra viễn cảnh giúp chúng ta có được khả năng bảo vệ của "người đá" trong tương lai.

Cùng ngắm nhìn loài thú có lớp giáp đặc biệt này qua video dưới đây.


Nguồn: Livescience