Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Arizona Tempe (Mỹ) đã chỉ ra, dù kiến là loài vật nhỏ bé và chỉ sống được khoảng 3 tháng nhưng chúng lại là chìa khóa để giải quyết vấn đề
biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay.
Theo đó, các chuyên gia phát hiện kiến có khả năng làm biến đổi hóa chất trong cát để sản xuất ra calcium carbonate (hay còn gọi là đá vôi). Quá trình này sẽ giúp lưu giữ carbon dioxide (CO2) có trong đá và loại bỏ chất độc hại này ra khỏi bầu khí quyển.
Giáo sư Ronald Dorn thuộc ĐH Arizona Tempe là người phát hiện ra điều này. Ông đã chôn cát tại 6 địa điểm thuộc dãy núi Catalina ở Arizona và Palo Duro Canyon ở bang Texas, cách đây 25 năm.
Cứ 5 năm/lần, giáo sư Dorn lại đến và tiến hành đo lượng khoáng chất olivine và plagioclase bị phân hủy trong cát và phát hiện ra kiến đã giúp phân hủy các khoáng chất này nhanh gấp 300 lần so với tốc độ phân rã tự nhiên của loại cát không có sự can thiệp của kiến.
Theo giáo sư Dorn, kiến đã thu thập canxi và magie, rồi sử dụng những nguyên tố này để tạo thành đá vôi. Sự biến đổi này hình thành khi các chú kiến liếm hạt cát nhằm kết dính chúng với bức tường của tổ kiến.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng, đá vôi cũng có thể tạo ra từ vi khuẩn trong ruột côn trùng trước khi thải ra ngoài. Quá trình này tương tự như sự cô lập CO2 trong tự nhiên. Nó có nghĩa là cây cối, đại dương trên Trái đất sẽ giúp chuyển hóa, bắt nhốt CO2 do động - thực vật và con người thải ra.
Trên thế giới, một dự án cô lập CO2 nhân tạo đã được sử dụng, bao gồm cả việc cố tình bẫy CO2 và lưu giữ nó trong lòng đất. Một phương pháp khác được đề xuất là dồn CO2 xuống sâu dưới đại dương, hình thành hố khí. Những khí này sẽ ở lại đó do áp suất và nhiệt độ nước ở xung quanh, dần dần CO2 sẽ phân rã theo thời gian.
Bên cạnh đó, ý tưởng về việc cô lập địa chất - trong đó CO2 được bơm xuống tầng ngầm chứa đầy magie và canxi. CO2 sẽ phản ứng với hai chất này, tạo ra đá vôi và magie carbonate. Theo giáo sư Dorn, đây cũng chính là phương pháp mà loài kiến đang tiến hành một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, giáo sư Dorn tuyên bố rằng, hiện ông chưa rõ loài kiến đã loại bỏ được bao nhiêu carbon trong bầu khí quyển nên sẽ tập trung nghiên cứu để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Trước đó, các chuyên gia thuộc ĐH East Anglia cũng đã công bố kết quả của mình khi chỉ ra rằng, kiến xén lá có thể cứu người nhờ một loại kháng sinh mà cơ thể chúng tiết ra. Công trình này được các nghiên cứu sinh thuộc ĐH East Anglia tập trung xem xét một loại nấm là thức ăn của kiến xén lá và cách chúng sản sinh ra kháng thể tự nhiên bảo vệ loài nấm.
Nghiên cứu trên được công bố ở Tạp chí Địa chất.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)