Các nhà
nghiên cứu mới đây đã chỉ ra lý do khiến người Tây Tạng có khả năng sống ở trên "nóc nhà thế giới" một cách bình thường như vậy là do họ mang trong mình hệ
gene "độ cao" độc đáo.
Theo đó, gene của người Tây Tạng là kết quả của sự giao phối giữa người Neanderthal và Denisovan đã tuyệt chủng cách đây hàng trăm ngàn năm.
Người Denisovan là một nhánh bí ẩn của người Homo sapiens (người cận đại). Qua việc phân tích mẫu DNA từ mẩu xương thu thập được trong dãy núi Altai của Nga năm 2010, các chuyên gia đã so sánh DNA cổ đại với trình tự gene ngày nay để hiểu rõ hơn dấu vết còn lại của sự giao phối người cổ đại.
Một tỷ lệ nhỏ DNA của người Denisovan được phát hiện ở những người dân châu Á và đảo Thái Bình Dương, trong đó có Tây Tạng.
Người Tây Tạng sống quanh năm ở độ cao 4.000m.
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, trong mẫu DNA hỗn hợp này tồn tại một biến thể của gene EPAS1 - có ảnh hưởng đến oxy trong máu - loại biến thể thường gặp ở người Tây Tạng sống quanh năm ở độ cao 4.000m.
Nhà nghiên cứu Rasmus Nielsen của ĐH California, Berkeley cho biết, khi cơ thể tiếp xúc với nồng độ oxy thấp ở độ cao lớn, EPAS1 báo hiệu cho các gene khác trong cơ thể hoạt động, kích thích phản ứng sản xuất thêm tế bào màu đỏ.
Không những vậy, EPAS1 tạo ra một loại protein có khả năng điều chỉnh lượng oxy trong cơ thể để thích nghi với môi trường trên cao và không khí loãng (có lúc chỉ còn khoảng 30% lượng oxy trong không khí).
Tiến sĩ Nielsen cho biết: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn về hệ gene này, cả trình tự và những mối quan hệ gene liên quan một cách chi tiết. Biết đâu, qua đó chúng tôi lại có thể hiểu hơn về mối quan hệ giữa một người Denisovan với người Homo sapiens (người cận đại)".
Một điểm lý thú mà tiến sĩ Nielsen tiết lộ đó là có đến 90% người Tây Tạng mang phiên bản gene EPAS1, 10 % là của người Hán.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra, người Tây Tạng tách khỏi người Hán khoảng gần 3.000 năm trước. Khi họ tới cao nguyên Tây Tạng, chỉ những người có hệ gene phù hợp thì mới có thể sống sót với cuộc sống ít oxy này.
(Nguồn tham khảo: Business Insider)