Một
nghiên cứu mới đây của các nhà tâm lý học thuộc ĐH Virginia và ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra, thay vì ngồi và không làm gì cả chúng ta luôn thích làm một điều gì đó, ngay cả việc làm đau chính mình.
Các chuyên gia đã tiến hành một loạt nghiên cứu với 300 người (cả nam và nữ) trong độ tuổi từ 18 - 77 tuổi. Các đối tượng được yêu cầu ngồi một mình trong căn phòng tĩnh mịch trong khoảng 6 - 15 phút, tự giải trí với những suy nghĩ của mình. Tất cả điện thoại di động hay thiết bị hỗ trợ khác đều để ở bên ngoài. Sau đó, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu nói về những gì họ vừa nghĩ.
Hầu hết mọi người cho rằng, khoảng thời gian đó vô cùng nhàm chán và khó tập trung.
Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia đã yêu cầu 42 người cả nam và nữ ở một mình trong phòng 15 phút với chiếc núi bấm gây ra cú điện giật nhẹ cho họ. Kết quả đáng ngạc nhiên, 67% nam giới và 25% nữ giới đã tự làm điện giật bản thận họ ít nhất một lần trong khoảng thời gian ở một mình trong phòng.
Tiến sĩ Timothy Wilson - nhà tâm lý học thuộc ĐH Virginia cho biết: "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước kết quả này. Việc ở một mình với những suy nghĩ riêng trong 15 phút rõ ràng là quá tẻ nhạt đến nỗi mà nhiều người tự gây cú sốc điện cho bản thân mặc dù lúc đầu một mực từ chối sử dụng nó".
Tiến sĩ tâm lý David Reinhard - đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Phát hiện này giúp chúng tôi hiểu hơn về những suy nghĩ tiến hóa của con người với thế giới - cảnh giác nguy hiểm cũng như tìm kiếm nhiều cơ hội". Ông cho rằng, có vẻ như tâm trí của những người tham gia luôn hướng tới thế giới bên ngoài, ngay cả khi họ phải làm một vài việc liên quan đến sự đau đớn.
Reinhard nói thêm: "Chúng tôi hi vọng rằng trong tương lai sẽ tìm hiểu xem cách con người giải trí với những suy nghĩ của chính mình để hình thành một cơ chế đối phó với nỗi buồn. Và biết đâu, liệu pháp này sẽ làm gia tăng hạnh phúc dài lâu ở mỗi người".
(Nguồn tham khảo: Huffington Post)