Người
hướng nội và người hướng ngoại thoạt nhìn có thể giống nhau về ngoại hình nhưng khi đặt hai nhóm người vào những tình huống hàng ngày trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng phân biệt được nhờ vào những cách xử sự khác biệt.
Theo lý thuyết hướng ngoại của Hans Eysenck và William Revelle thuộc trường Đại học Northwestern, người sống hướng nội - hướng ngoại có sự khác nhau về mức độ phản ứng và cảnh giác trước một môi trường nhất định.
Một chất xúc tác hay một viễn cảnh có tác động lớn đến hệ thống thần kinh của một người hướng nội có thể khiến người này thay vì vui mừng, lại bị choáng ngợp và kiệt sức. Đây chính là yếu tố được các nhà khoa học sử dụng để phân biệt người hướng nội với một cá nhân hướng ngoại.
Tuy nhiên, không tồn tại một cá nhân nào là hướng nội hoàn toàn cũng như hướng ngoại hoàn toàn. Một người hướng nội sẽ thể hiện phần tính cách này rõ nhất khi họ được đặt vào một môi trường kích thích.
Cùng check xem liệu bạn có nằm trong nhóm những người hướng nội không qua list phản ứng tâm lý với môi trường xung quanh dưới đây nhé.
1. Thu mình lại khi ở giữa đám đông
Trong một buổi trò chuyện về chủ đề những người hướng nội, tác giả Susan Cain đã đưa ra ý kiến rằng “Chúng ta đang ở trong một nền văn hóa mới - nền văn hóa của nhân cách. Bởi vậy với nhiều người, thay vì làm việc bên cạnh những người họ quen biết từ lâu, giờ họ phải tự chứng tỏ mình trong một đám đông toàn người xa lạ”.
Đám đông này thường ồn ào và đông đúc. Đây được coi là một điều kiện kích thích quá mức những người hướng nội và "rút cạn" năng lượng vật lý của người hướng nội.
Kết quả là người hướng nội sẽ cảm thấy bị cô lập hơn là được hỗ trợ bởi những người xung quanh và vì thế sẽ muốn được ở một mình hơn là giữa một biển người xa lạ.
2. Luôn cảm thấy áp lực với những cuộc trò chuyện phiếm
Trong khi hầu hết người hướng ngoại thường thích thú với những cuộc giao lưu, trò chuyện thì ngược lại, người hướng nội lại cảm thấy ngại ngùng, buồn chán, uể oải.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra một người hướng nội trong một cuộc trò chuyện đông người khi mà họ thường im lặng lắng nghe và rồi tự cô lập mình khi cuộc trò chuyện kết thúc. Liệu bạn có nằm trong số "người im lặng" kể trên?
Sophia Dembling - tác giả cuốn sách “The Introvert's Way: Living A Quiet Life In A Noisy World” đã giải thích rằng cách để phân biệt người hướng nội cuối cùng nằm ở chỗ liệu người đó có tiếp nhận năng lượng từ những người xung quanh hay không. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không hứng thú bằng việc ngồi nghiên cứu ý tưởng triết học.
3. Thành công hơn trên sân khấu
Theo tiến sĩ Jennifer B. Kahnweiler, gần một nửa những người sống bằng nghề thuyết trình có bản chất là một người nội tâm.
Họ chỉ đơn giản là vận dụng thế mạnh của mình và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Trên thực tế, một vài trong số những nghệ sĩ thành công nhất trên thế giới cũng là người hướng nội.
Đứng trên sân khấu trước một lượng khán thính giả lớn rõ ràng dễ dàng hơn rất nhiều các cuộc trò chuyện phiếm đối với người hướng nội.
4. Dễ bị mất tập trung nhưng ít khi thấy chán
Nếu bạn muốn làm ngắt quãng dòng tập trung của một người hướng nội, đơn giản là hãy đặt họ vào một tình huống siêu kích thích. Chính vì tính nhạy cảm cao đối với những người xung quanh mà người hướng nội luôn đấu tranh với sự mất tập trung.
Tuy nhiên khi người hướng nội ở trong trạng thái điềm tĩnh và yên lặng, họ sẽ không gặp vấn đề gì với việc tập trung vào một cuốn sách trong hàng giờ đồng hồ.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Clark, trái ngược với những người hướng ngoại dễ chán nản với các việc đơn điệu thì người hướng nội dễ bị phân tâm bởi họ yêu thích không gian yên bình.
5. Thích những nghề cần sáng tạo, tỉ mỉ và đơn độc
Người hướng nội về bản chất thích dành thời gian ở một mình, tập trung sâu vào từng nhiệm vụ và đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hướng nội có hoạt động thần kinh mạnh mẽ hơn ở vùng não liên quan đến học tập, điều khiển vận động và kiểm soát thận trọng.
Chính vì thế, người hướng nội thường phát huy sức mạnh của bản thân trong các công việc như viết lách, nhà khoa học ngoài thực địa hay nhân viên kĩ thuật. Những việc này có thể cung cấp cho người hướng nội những kích thích trí tuệ cần thiết mà không phải là môi trường dễ mất tập trung.
6. Không dễ dàng hòa nhập
Một nghiên cứu phát hành năm 2013 trên báo Frontiers in Human Neuroscience chỉ ra rằng người hướng ngoại và hướng nội có hoạt động não ở vùng “phần thưởng” khác nhau.
Trong nghiên cứu này các nhà khoa học cho tình nguyện viên sử dụng thuốc Ritalin, một loại thuốc kích thích sản sinh chất dopamine, kích thích cảm giác nhận được phần thưởng và động lực.
Trong cùng một hoàn cảnh kích thích, người hướng ngoại có phản ứng nhưng người hướng nội thì không.
Kết quả này cho thấy rằng, người hướng nội có một sự khác biệt cơ bản trong cách xử lý kích thích “phần thưởng” từ môi trường. Nói cách khác, người hướng nội không dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh bằng người hướng ngoại.
7. “Đóng” bản thân lại khi muốn được ở một mình
Susan Cain cho rằng “Sự cô đơn là tối quan trọng, đối với một số người, đó chính là nguồn sống của họ.”
Mỗi người hướng nội đều có một giới hạn kích thích của riêng mình. Và khi “năng lượng sống” bị rút cạn bởi các hoạt động giao tiếp xã hội, người hướng nội cần thời gian để “sạc” lại bản thân - đó chính là khoảng thời gian một mình.
Nguồn: Io9, Livescience.