Tìm ra báo tuyết Bhutan, robot bướm bay, cá "nóng" Nam Cực

A, Theo Mask Online 10:40 17/02/2012

Cùng các cập nhật: Quảng Bình thả 37 cá thể động vật quý hiếm về thiên nhiên, phát minh băng dán điện sinh học.

Hy vọng cho báo tuyết tại Bhutan


Thống kê của Quỹ Bảo tồn Sinh vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho thấy loài báo tuyết đang sinh sôi tại Bhutan, một tin tốt lành cho loài động vật tuyệt đẹp đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

WWF cho hay, tổ chức này đã ghi nhận được những hình ảnh đầu tiên về loài báo tuyết tại công viên quốc gia Wangchuck.


Báo tuyết được phát hiện tại Bhutan.

Theo đó, các chuyên gia sinh học đã chụp được hơn 10.000 hình ảnh của họ hàng nhà mèo tại đây, trong nỗ lực xác định số lượng và nơi sinh sống ưa thích của chúng.

Trong dịp này, các chuyên gia cũng phát hiện được các cộng đồng dồi dào của sói Tây Tạng, hươu xạ, cừu xanh và cáo đỏ tại khu vực có dấu hiệu xuất hiện của báo tuyết.

Hình ảnh báo tuyết trong tự nhiên.

Tại các nơi khác trên thế giới, số lượng cá thể báo tuyết liên tục sụt giảm. Và hiện các chuyên gia cho rằng chỉ còn không đầy 7.000 cá thể tồn tại trong tự nhiên.

Vẫn chưa rõ số lượng của báo tuyết tại Bhutan, nhưng WWF hy vọng sẽ sớm đưa ra thống kê chính thức về loài sinh vật này, trong nỗ lực bảo vệ giống loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Robot vỗ cánh bay như bướm


Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu cách vỗ cánh bay rập rờn của bướm từ bông hoa này sang bông hoa khác để “dạy” cho một thế hệ robot mới có kích thước bằng một con côn trùng nhỏ.

Nghiên cứu này là "đơn đặt hàng" của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm chế tạo những robot tí hon biết bay (gọi tắt là MAV – Micro areal vehicle) để trinh sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như kiểm tra môi trường.



Theo ông, để “dạy” cho MAV chuyển động vừa nhanh vừa chính xác trong không gian, họ phải nghiên cứu hết sức tỉ mỉ cơ chế bay của bướm. Họ dùng những camera hiện đại nhất để phân tích chuyển động của cánh bướm khi vờn quanh một bông hoa với độ chính xác tối đa. Tốc độ chụp hình của máy phải lên tới 3.000 hình độ “nét” 1 megapixel trong một giây mới đáp ứng được yêu cầu (để so sánh xin nhắc lại là một máy ảnh bình thường chỉ chụp được từ 24 tới 69 hình trong 1 giây) vì bướm vẫy cánh 25 lần mỗi giây.

Khi bướm bay vào “tầm ngắm” của 3 camera bố trí tại 3 góc nhìn khác nhau, camera sẽ bật máy để thu được khoảng 6.000 hình trên cả 3 chiều của không gian mới phân tích được cơ chế bay của bướm. Cánh bướm so với thân có khối lượng rất nhỏ nên quán tính của nó không ảnh hưởng đến sự bay.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Tìm thấy chú cá “nóng” sống ở Nam Cực


Các nhà khoa học vừa phát hiện loài cá “nóng” sống ở Nam Cực hàng triệu năm. Đó là loài cá có khả năng tự sản xuất chất chống đông trong máu một cách tự nhiên để tồn tại hàng triệu năm.


Loài cá Notothenioid tìm thấy ở Nam Cực.

Loài cá có tên gọi là Notothenioid, chúng có thể sống sót sau hiện tượng đóng băng toàn cầu gây tuyệt chủng hàng loạt các loài cách đây 42 triệu năm nhờ chất chống đông glycolprotein, sản xuất tự nhiên trong máu.


Hiện nay, theo giáo sư Thomas Near, thuộc Trường đại học Yale (Mỹ), cảnh báo: “Loài Notothenioid đang bị đe dọa tuyệt chủng khi Trái đất ngày càng nóng lên. Bên cạnh đó nó đang trở thành nguồn thức ăn chính của chim cánh cụt và hải cẩu”.

Các nhà khoa học cho rằng loài cá “icefish” (cá băng) - tên gọi khác của loài Notothenioid - là loài thú vị nhất trong lịch sử tiến hóa bởi quá trình tiến hóa của nó rất đặc biệt và duy nhất.

(Nguồn tham khảo: Dailymail, Khoahoc)

Băng dán điện sinh học


Quân đội Mỹ đang bắt đầu thử nghiệm loại băng dán điện sinh học có khả năng chữa lành vết thương một cách nhanh chóng.

Loại băng dán do lục quân thử nghiệm có khả năng bắt chước cơ chế sản sinh năng lượng của cơ thể, không những cho phép giảm đau nhanh mà còn diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và tăng tốc quá trình lành vết thương.


Băng dán điện sinh học có khả năng tự làm liền vết thương nhanh chóng.

Theo trang InnovationNewsDaily, băng dán Procellera chứa các hạt bạc và kẽm dưới dạng pin nhỏ xíu, giúp tạo ra dòng vi điện trong điều kiện ẩm ướt.

Dòng điện này bắt chước năng lượng nội tại của cơ thể, giúp vết thương mau lành hơn, theo nhà sản xuất Vomaris tại Arizona.

Kết quả thử nghiệm ban đầu ở một đơn vị biệt kích của lục quân cho thấy băng dán này giúp những chỗ bị phồng da ít đau hơn, cho phép binh sĩ hành quân dễ dàng.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Thả 37 cá thể động vật quý hiếm về thiên nhiên


Sáng nay 17/2, tin từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, lực lượng của vườn vừa phối hợp với Dự án Bảo tồn Thiên nhiên Phong Nha thả 37 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên thuộc vườn quốc gia này.

Số động vật hoang dã quý hiếm được thả gồm: khỉ cộc (tên khoa học là Macaca arctoides), rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons), rùa sa nhân (Pyxidea mouhotii), cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), cầy vòi mốc (Paguma larvata) và don (Atherurus macrourus).



Vận chuyển 37 cá thể động vật hoang dã quý hiếm để thả về môi trường tự nhiên (Ảnh: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng)

Trước đó, cán bộ của vườn cũng đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục theo dõi việc sinh hoạt, hòa nhập cũng như tìm kiếm thức ăn ở môi trường tự nhiên và tiếp tục thu thập các dữ liệu về 37 cá thể này. Quá trình theo dõi sau khi thả bước đầu cho thấy, các cá thể đều hòa nhập rất nhanh với môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

 Cá thể rùa sa nhân hòa nhập với môi trường tự nhiên rất nhanh sau khi được thả (Ảnh: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng)

Được biết, trong những năm gần đây, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã cứu hộ thành công và thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn.

(Nguồn tham khảo: Dân trí)