Trong cuộc sống này, có người làm bác sĩ, công nhân, kĩ sư…; có người làm để mưu sinh nhưng cũng có người làm công việc xuất phát từ tấm lòng cao cả, xót thương cho số phận mỗi con người.
Ở một vài góc khuất của xã hội, tồn tại những công việc mà chắc hẳn bạn chưa từng nghe tới, nhìn thấy và tưởng tượng ra.
1. Hái sấu Hà Nội
Dọc những con đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Tràng Thi, Trần Phú... mỗi độ hè về lại ghi dấu chân của những người đi trẩy sấu. Xuất thân là người Hà Nội gốc cũng có, ngoại tỉnh cũng có, vì hoàn cảnh khó khăn nên một số người đã tìm tới công việc này. Thậm chí có người bắt đầu công việc rất tình cờ: thấy sấu rụng chi chít trên đường mà không ai hái nên đã thử vận may và dựa hẳn vào nó.
Do đặc điểm theo mùa vụ nên phần lớn hái sấu là nghề tay trái của một số người nhưng số tiền kiếm được từ công việc này không hề ít chút nào. Giá một cân sấu rơi vào khoảng hơn 20.000đ, mối khách chủ yếu là quán cơm bình dân, quán nước. Việc hái sấu “hot” tới độ với những cao thủ có thâm niên còn có khách quen đặt hàng trước khi hái để mua được sấu tươi ngon nhất.
Không vốn đầu tư lại có lãi song ai cũng hiểu rằng, nó ẩn chứa đầy tính nguy hiểm. Những cây sấu khá cao, muốn hái được đòi hỏi dân nhà nghề phải có dụng cụ chuyên dụng. Đó là những cây sào đặc biệt, hoặc giả họ phải có gan liều lĩnh và khả năng leo trèo tài tình trên các cành cao để thu lượm những chùm sấu sai trĩu quả.
2. Nhặt phân dơi
Tạm xa rời Thủ đô, ta tới miền quê nghèo Đồng Sinh, Lạng Sơn, đây được coi là điểm có nhiều dơi trú ngụ nhất miền Bắc. Và đây cũng chính là nơi khởi nguồn công việc mưu sinh vất vả từ hàng trăm năm nay của người dân địa phương: nhặt phân dơi.
Hầu như 70% phụ nữ, trẻ em (từ 10 tuổi đến hơn 50 tuổi) ở thôn đi nhặt phân dơi hàng ngày kiếm sống. Dậy từ lúc chưa bình minh, mọi người kéo lên khu Hang Dơi, mang theo đồ nghề gồm một cái thúng, một cái chổi, đèn pin cài đầu, găng tay, áo mưa và sàng bằng tre để lọc phân.
Lên tới nơi, trong ánh sáng mờ ảo, họ lầm lũi sờ mó, nhặt từng hòn sỏi, đá và lượm phân dơi nho nhỏ bằng hạt đạm màu nâu lẫn trong đất. Thậm chí, để kiếm được phân nguyên chất, một số người còn trèo lên những vách cao, nơi mà chất thải của dơi còn nguyên chất, chưa bị lẫn trong đất.
Điểm đặc biệt của công việc này là dân vào hang phải chịu đựng mùi hôi thối, nồng nặc kinh khủng. Để chống chọi, người ta phải bôi dầu gió vào mũi và đeo tận 2 chiếc khẩu trang. Ấy vậy mà họ vẫn luôn mong chờ những “cơn mưa phân” rơi xuống người.
Số phân này sau đó được tập kết và đem bán cho những ông chủ đầu mối với giá rẻ như bèo, rồi được sản xuất thành phân bón cây. Mỗi đấu phân được chủ trả giá 2000đ, nhiều thì sẽ đong bằng chậu gỗ hình chữ nhật với giá 12.000đ/chậu.
3. Lượm... xác thai nhi
Nếu xét về số lượng thì lượm xác thai nhi là công việc ít người làm nhất. Đơn giản vì công việc này không kiếm ra tiền, vất vả cực nhọc nhưng nó xuất phát từ sự nhân đạo, tấm lòng cao cả của những con người có tâm trong xã hội.
Người "khai sinh" ra công việc này là bà Cường ở xã Nghĩa Thắng, Nam Định. Sau này, một người đàn ông cùng thôn là ông Vũ Văn Bao là người thứ hai tiếp tục công việc nhân văn này. Hai con người, hai số phận nhưng chung một tấm lòng. Họ đau đớn, xót xa trước cảnh tượng những đứa trẻ, hài nhi nhỏ bé vừa sinh ra đã bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ bởi sự thiếu suy nghĩ, nông cạn của một bộ phận cha mẹ trẻ.
Trong vòng 10 năm, từ chỗ bị chê là khùng, bà Cường đã nhận được sự ủng hộ to lớn của xã hội, chôn cất và an táng cho hơn 3.000 hài nhi. Còn ông Bao, sau 2 năm tham gia công việc, ông cũng đã “chăm lo” cho khoảng 2.000 đứa trẻ. Cả hai ông bà đều tâm sự: họ thấy khổ tâm khi số lượng những đứa trẻ tìm thấy ngày càng nhiều, quyển sổ ghi chép ngày càng dày lên. Ước mong duy nhất của họ chính là càng sớm thất nghiệp càng tốt, để có thể sống bình yên thanh thản với tuổi già.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Kienthuc, NLD, Baomoi, Skydoor...