Một ngày "học nghề" thú vị trong xưởng làm bánh

Tôm, June, Theo 12:11 16/10/2011

Cùng "nhập vai" một người thợ làm bánh và khám phá công việc hấp dẫn trong xưởng làm bánh hay ho bạn nhé!

Có thể nói, thợ làm bánh là những người có "quyền năng" rất lớn khi họ có thể đem đến niềm vui cho tất cả mọi người.

Hình ảnh bạn đang xem là cặp vợ chồng Matt - Allison, chủ một cửa hàng bánh cupcake tại Brooklyn, Mỹ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một ngày làm việc của hai anh chị ý sẽ như thế nào nhé!

Thợ làm bánh là ai?

Hiểu một cách đơn giản, thợ làm bánh là người tạo ra những chiếc bánh thơm ngon mỗi ngày.

Ai cũng biết rằng, thợ làm bánh thì tất nhiên là phải làm ở tiệm bánh rồi. Tuy nhiên, sự thật thì không hẳn vậy đâu nhé! Các thợ làm bánh còn làm việc trong nhà hàng hoặc cửa tiệm chuyên bán bánh... Tuy nhiên, cũng có một số khác thích tự mình quản lý cửa hàng bánh riêng để có thể tự do sáng tạo những món bánh mình thích.


Thay vì nướng bánh sẵn rồi... để qua đêm, thợ làm bánh thường phải dậy rất sớm nhằm kịp chuẩn bị cho những mẻ bánh đầu tiên. Tất cả đều phải sẵn sàng trước giờ mở cửa cửa hàng.

Một thợ làm bánh cần phải có một sức khỏe tốt để bắt kịp nhịp độ công việc. Thông thường, họ phải thức dậy trước tất cả mọi người và chỉ kết thúc ngày làm việc của mình khi mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ.

Tương tự như mọi công việc khác, ngoài sự chính xác về tỉ lệ, khối lượng các nguyên liệu thì một thợ làm bánh còn phải có lòng yêu nghề tha thiết. "Nấu ăn là một nghệ thuật và người nấu ăn là một nghệ sĩ" -  phương châm mà bất cứ thợ làm bánh nào cũng phải nhớ. Một chiếc bánh chỉ ngon khi được làm ra dưới đôi tay tài hoa cùng một trái tim nồng ấm.


Chị Allison cẩn thận đưa bánh vào lò để nướng.

Bước đầu trở thành thợ làm bánh

Để trở thành một thợ làm bánh, bạn sẽ phải học những kỹ thuật cơ bản của việc làm bánh: từ việc nhận biết các loại bột cho đến cách nhào bột, trộn bột rồi cách đặt nhiệt độ lò nướng, trang trí bánh... Ngoài ra, một thợ làm bánh rất cần kinh nghiệm nên nếu có thể, bạn hãy xin vào một hiệu bánh để học việc.

Việc này không chỉ giúp chúng ta có thêm cơ hội thực hành mà nó còn giúp ta quen với nhịp làm việc của một lò bánh. Hơn thế nữa, kinh nghiệm từ những người đi trước luôn là kiến thức vô giá đối với những người mới bắt đầu. Những điều tưởng chừng rất đơn giản như cách sắp xếp đồ trong bếp, cách giữ bếp sạch, chọn khuôn bánh, chọn dụng cụ, cách tổ chức làm việc… xem ra khó hơn bạn nghĩ nhiều.


Chị Allison và anh Matt phân chia làm những công việc khác nhau nên tiến độ công việc được đẩy nhanh.


Vậy là chị Allison đã hoàn thành xong phần cốt bánh rồi này.


Công việc tiếp theo của chị ấy là thêm nhân vào bên trong chiếc bánh.

Không chỉ dừng lại ở những công thức có sẵn, tùy vào khả năng sáng tạo của mình, mỗi thợ làm bánh lại có thể “sáng chế” ra các loại bánh mới hấp dẫn, mang đặc trưng của riêng mình. Sự sáng tạo là điều rất cần thiết ở một thợ làm bánh.

Cẩn thận bóp kem lên từng chiếc bánh.

Sự cẩn thận không bao giờ là thừa đối với nghề làm bánh. Một thợ làm bánh giỏi luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của từng khâu riêng biệt. Đối với họ, chẳng có giai đoạn nào được coi là quan trọng hơn vì chỉ cần một sơ suất, mẻ bánh đang làm rất dễ phải hủy toàn bộ. Ví dụ như khi nướng bánh xong, bạn chỉ cần lấy bánh ra khỏi lò sớm hơn so với quy định là mẻ bánh đó có thể bị xẹp và hỏng.


Một thợ làm bánh nên dành thời gian nghiên cứu các cách trang trí mới để luôn đem đến sự bất ngờ cho khách hàng. Thay vì các chiếc bánh giống hệt nhau, khách hàng sẽ luôn có ấn tượng tốt đối với chiếc bánh có sự thêm thắt khác dành cho riêng mình, vào những dịp đặc biệt.


Mọi nguyên liệu đều phải được đong, đo một cách chính xác để đảm bảo cho sự hài hòa của hương vị.


Sự thực là ai cũng có thể trở thành một thợ làm bánh, song để làm một thợ bánh giỏi thì cần rất nhiều công sức, thời gian.

Một thợ làm bánh giỏi cần phải nhạy cảm và tinh tế với… sự chuyển mùa, khẩu vị của khách hàng. Mặc dù bánh chocolate vẫn luôn nằm đầu bảng danh sách các loại bánh được yêu thích nhất nhưng vào mùa hè, những chiếc bánh hoa quả tươi mát mới thực sự là “vua”.


Với việc bảo quản nguyên liệu, bạn phải tính toán một cách hợp lý số lượng các loại để luôn ở mức đủ dùng, tránh tình trạng thừa mứa, khó bảo quản. Đặc biệt là trong mùa hè, các loại sữa, kem, hoa quả… đều rất nhanh hỏng.




Thợ làm bánh cần phải có hiểu biết về tính chất các loại nguyên liệu khác nhau.

Trong khi làm bánh, nhiều người thường mắc phải sai lầm cơ bản khi có khuynh hướng sử dụng nguyên liệu A thay cho nguyên liệu B vì trót quên chưa mua. Điều này quả thực rất tai hại vì không phải trường hợp nào chúng ta cũng áp dụng được mặc dù công dụng của chúng là như nhau. Chẳng hạn, đối với việc làm các loại mousse, ta không thể thay thành phần lá gelatin bằng bột agar (dùng để làm thạch rau câu). Tuy cả hai nguyên liệu đều có công dụng là làm đông hỗn hợp nhưng thực tế, tính chất làm đông của chúng lại khác nhau.

Sáng tạo và linh hoạt là điều rất tốt trong nấu nướng nhưng nó chỉ thực sự hữu dụng khi thợ làm bánh hiểu được bản chất loại nguyên liệu đang có.


Giữ bếp sạch cũng là một kỹ năng cần phải học. Nhìn vào sự bài trí các vật dụng trong bếp, ta có thể đoán ra được phong cách nướng bánh cũng như tính cách của người thợ đó. Hẳn là chúng ta sẽ chẳng ai thích ăn bánh được làm ra từ một căn bếp bừa bộn, cáu bẩn đúng không?






Và khi ngắm nhìn những thành quả "đáng yêu" này của mình, có thợ bánh nào mà không tự hào cơ chứ?

Là một nghề thuộc ngành dịch vụ nên thợ làm bánh, hiểu theo cách khác, là người đem đến niềm vui cho khách hàng của mình. Hãy thử tưởng tượng nét mặt rạng rỡ của họ sau khi nếm chiếc bánh đầu tiên, quả là một cảm giác khó tả. Được ăn ngon không chỉ là niềm vui mà còn là sự hạnh phúc. Một món ăn ngon có thể khiến người ăn cảm thấy yêu đời hơn, sự trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời.

Đằng sau mỗi chiếc bánh lại là những câu chuyện khác nhau và thợ làm bánh quả là một trong những công việc hấp dẫn nhất thế giới!

Để có cái nhìn cụ thể hơn, mời các bạn xem tiếp video bên dưới để "zoom" kĩ vào một số công đoạn của thợ làm bánh nhé!