Các nhà khoa học thuộc Đại học Washington phối hợp với Đại học North Carolina và Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia của Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu trên chuột nhằm lý giải vì sao một số cá nhân có thể chống chọi và sống sót dù bị virus
Ebola xâm nhập vào cơ thể.
Trong những điều kiện vệ sinh cực kì nghiêm ngặt, họ tiến hành thử nghiệm truyền virus Ebola (chủng virus gây nên đại dịch năm 2014) vào chuột và theo dõi ở phòng thí nghiệm cấp 4 tại Hamilton, Mont. Kết quả thí nghiệm thu được giúp họ khẳng định: gen di truyền chính là “phép màu” giúp một số cá nhân thoát khỏi nanh vuốt của tử thần Ebola.
Cụ thể, 70% cá thể chuột có những triệu chứng mắc bệnh như chảy máu trong, sưng lá lách… (trong đó hơn 50% tử vong); 11% nhận thấy sự phản kháng một phần trong cơ thể (gần một nửa cũng tử vong) và 19% chuột thí nghiệm “miễn nhiễm” với Ebola.
Điều đáng ngạc nhiên trong thí nghiệm này, đó là việc lần đầu tiên các chuyên gia tiến hành nghiên cứu Ebola thành công trên chuột. Những lần trước đây đều không đem lại kết quả, bởi các cá thể chuột nhiễm virus đều tử vong nhưng không có phát triệu chứng ra ngoài.
Kết quả trên được lý giải dựa vào cơ chế tấn công của Ebola. Theo đó, virus sau khi xâm nhập cơ thể sẽ giết chết tế bào sống, gây nên tình trạng viêm mạch máu ở vật chủ.
Tuy nhiên, một số cá thể chuột sở hữu nhiều tế bào “sửa chữa” và bạch cầu chống nhiễm trùng máu. Ngoài ra, trong gan của chúng còn có các tế bào hạn chế khả năng sinh sản của virus. Điều này giúp chúng sống sót và phục hồi sức khỏe chỉ sau 2 tuần nhiễm virus.
Tất cả những đặc tính này được quy định bởi hệ gen di truyền. Vì vậy, các nhà khoa học khẳng định: chính sự khác nhau trong bộ gen di truyền là nguyên nhân cho việc một số cá thể chuột miễn dịch với Ebola. Suy rộng hơn, điều này cũng có thể đúng với trường hợp ở con người.
Gen di truyền chính là lời giải cho bài toán khó Ebola
Chia sẻ thêm về nghiên cứu này, chuyên gia Katze nói: “Chúng tôi hi vọng các chuyên gia y tế sẽ sớm áp dụng những kết quả này để tìm kiếm vaccine và phương pháp trị liệu cho bệnh nhân Ebola”.
Nguồn: Science Daily