Tăng cường phòng chống đại dịch Ebola sau ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng

, Theo Mask Online 00:05 04/11/2014
Chia sẻ

Trước tình hình dịch bệnh Ebola lây lan mạnh ở một số nước Châu Phi, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực tăng cường giám sát nhập cảnh, phòng đại dịch Ebola xâm nhập.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đắc Phu về tình hình dịch bệnh nguy hiểm này và nhất là những biện pháp tăng cường phòng chống đại dịch Ebola sau ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua.

- Đại dịch Ebola đang được các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Vậy ông đánh giá như thế nào về đại dịch này?

Từ tháng 12/2013 đến nay, tình hình dịch bệnh Ebola diễn biến rất nhanh và phức tạp. Tổng Giám đốc tổ chức Y tế Thế giới nói rằng, sự nỗ lực của hệ thống y tế cũng không kiểm soát nổi. Trước kia, dịch bệnh chỉ cố định ở địa phương nhất định thì giờ đang diễn ra ở nơi có biến động dân cư giữa biên giới các nước và có thể lan truyền qua đường hàng không, Việt Nam cũng không loại trừ vấn đề đó. 

Tăng cường phòng chống đại dịch Ebola sau ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng 1
Ông Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế).

Tôi cho rằng, Việt Nam có những người đi lao động, học tập, công tác ở các nước Châu Phi và có những trường hợp người của quốc gia khác họ sang Châu Phi làm rồi từ nước đó về Việt Nam chưa qua 21 ngày. Chúng ta cũng không loại trừ trường hợp công dân Việt Nam đi từ các nước có dịch bệnh về Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi tổ chức Y tế Thế giới có thông báo về dịch bệnh, Bộ Y tế đã tham mưu Chính Phủ chỉ đạo kiên quyết các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

- Theo ông, nguyên nhân tại sao đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Ebola vẫn chưa được khống chế?

Do ở Châu Phi tình hình y tế yếu kém, tập tục mai táng người chết bị nhiễm virus Ebola nhưng không phòng hộ, đặc biệt phòng hộ kém, do kinh tế khó khăn. Ebola là bệnh chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc hiệu nên tốc độ lây lan nhanh, mạnh.

- Sau khi đại dịch xảy ra ở các nước Châu Phi, Bộ Y tế cũng đã có nhiều công văn gửi đến các cơ quan ban ngành ở địa phương. Vậy hiện nay, công tác cảnh báo đã triển khai tiếp như thế nào? 

Chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) để nắm bắt thông tin, kịp thời xem xét để có ứng phó kịp thời nhưng không gây hoang mang, đặc biệt ở sân bay là không gây xáo trộn nhưng phải quyết liệt. 

Chúng tôi đã đề nghị với các Bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh. Lúc này, xác định rằng phải quyết liệt từ chính quyền thì mới có thể giải quyết được. Chúng tôi cũng đã đề nghị với các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải để tiến hành áp dụng tờ khai y tế và tờ khai này trước mắt chỉ áp dụng cho những khách đi từ nước có dịch về, không áp dụng cho tất cả hành khách bởi một ngày, ở mỗi sân bay có hàng nghìn trường hợp nhập cảnh.

Tăng cường phòng chống đại dịch Ebola sau ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng 2
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng mang áo quần bảo hộ trước khi tiếp xúc bệnh nhân - (Ảnh: Tuổi trẻ).

- Liên quan đến trường hợp nghi nhiễm Ebola ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng ngày 1/11, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có thêm phương án gì để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này tấn công vào Việt Nam?

Sau khi phát hiện trường hợp hành khách đi từ vùng có dịch bệnh Ebola có biểu hiện sốt và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh nhân, có phương án chuẩn bị, ứng phó kịp thời với tình huống theo quy định, đồng thời yêu cầu Đội phản ứng nhanh khu vực miền Trung kịp thời kiểm tra, giám sát, xác minh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng đã họp để chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Danh sách tất cả những người tiếp xúc gần với hành khách nêu trên được lập để theo dõi, giám sát sức khỏe. Các đơn vị y tế Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp theo dõi bệnh nhân cũng như những người tiếp xúc, giám sát, xử lý môi trường, cách ly, điều trị theo đúng quy định.

Chúng tôi luôn cảnh giác bởi vì dịch bệnh Ebola vào Việt Nam là có thể xảy ra. Vài ngày tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch tập huấn phòng chống dịch bệnh Ebola cấp bệnh viện, đồng thời thắt chặt lại quy trình kiểm tra, xét nghiệm tại các điểm để có phương án phòng chống dịch bệnh tốt nhất.

- Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân này được theo dõi thế nào?

Ngày 2/11, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm cả 2 loại bệnh phẩm huyết thanh và dịch ngoáy họng của bệnh nhân theo 3 phương pháp xét nghiệm PCR khác nhau, kết quả cả 3 lần đều âm tính (-) với virus Ebola.

Như vậy, đến thời điểm này, bệnh nhân này đã loại trừ bị nhiễm bệnh do virus Ebola sau khi trở về từ Guinea. Trước đó, bệnh nhân đã được xét nghiệm sốt rét và có kết quả P.faciparum (+++++) và đang được điều trị bệnh sốt rét. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã khá lên. Bệnh nhân vẫn cần tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi xuất cảnh Guinea.

- Xin cảm ơn ông!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày