Sáng mai thiên thạch khổng lồ bay qua Trái đất

A, Theo Mask Online 12:00 15/06/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Loài nhện từ bỏ "của quý" để thoát thân, giả định về cuộc sống không có loài gián...


Sáng mai, thiên thạch khổng lồ sẽ bay qua Trái đất


Một thiên thạch khổng lồ có đường kính lên tới 700m, kích thước tương đương một tòa nhà sẽ bay qua Trái đất vào sáng ngày mai (16/6, theo giờ Việt Nam). Tại thời điểm gần nhất, thiên thạch  2012 LZ1 sẽ bay qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách 5,4 triệu km – gấp 14 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.



Với khoảng cách này, thiên thạch 2012 LZ1 không có nguy cơ va chạm với Trái đất. Tuy nhiên, nó vẫn được các nhà thiên văn học xếp vào nhóm những thiên thạch có nguy cơ gây nguy hiểm đối với Trái đất, bao gồm những thiên thạch có kích thước trên 150m và bay cách Trái đất dưới 7,5 triệu km.

(Nguồn tham khảo: Space)

Loài nhện từ bỏ "của quý" để thoát thân


Chúng mình đã từng được biết về một số loài vật có tập tính giao phối đáng sợ, mới đây, loài nhện nephilengys malabarensis cũng được xếp vào danh sách này. 

Sau khi giao phối, nhện đực có nguy cơ bị nhện cái ăn thịt sau khi giao phối. Tuy nhiên, nhện đực đã dùng chiêu rất thông minh, vừa để thoát thân, vừa để bảo vệ con của chúng: từ bỏ luôn “của quý”.


Bỏ đi "của quý" đối với nhện là trút được một gánh nặng. 

Đây không chỉ là mục đích duy nhất – vì nhện đực sau đó cũng phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ con chúng. Mất đi bộ phận sinh dục giúp trọng lượng cơ thể chúng nhẹ hơn, và có thể trở thành một chiến binh mạnh mẽ hơn. 


Các nhà khoa học cũng đoán rằng, nhện đực chiến đấu hăng hơn khi không còn xúc tu vì chúng “chẳng còn gì để mất” ngoài nhiệm vụ bảo vệ con.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có… gián?


Theo suy nghĩ của nhiều người, gián là loài côn trùng "ăn hại", bẩn thỉu với khả năng mất đầu mà vẫn có thể sống khỏe.

Những mối lo ngại đó khiến chúng ta thường có tâm lý “đập chết ngay, không cho nó thoát”. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, khi mà loài gián bị xóa sổ hoàn toàn thì lúc ấy, cuộc sống của con người liệu có “dễ thở” hơn không?



Giáo sư Srini Kambhampati, trưởng bộ môn Sinh học Đại học Texas (Mỹ), cho biết: Gián nằm trong chuỗi thức ăn của nhiều loài chim và động vật có vú chuyên ăn sâu bọ. Nếu gián biến mất, điều này dẫn đến việc các loài sinh vật kia bị thiếu thức ăn, giảm dân số trong hệ động vật. 

Chẳng hạn, sự suy giảm “dân số” chuột (một loài ăn gián) là nỗi ám ảnh với các loài săn chuột gồm mèo (cả mèo nhà và mèo hoang), chó sói, đại bàng hay một số giống chim và bò sát khác. 

Cá biệt ở không ít loài phụ thuộc hoàn toàn vào gián như ong bắp cày ký sinh trên trứng gián, “gần như chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng”, Kambhampati nói.

Gián hầu như chỉ ăn các chất hữu cơ thối rữa chứa rất nhiều nitơ. Nhờ đó, nitơ trong phân gián là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho nhiều loài thực vật. Nói cách khác, sự tuyệt chủng của loài gián sẽ ảnh hưởng lớn đến các khu rừng cùng những sinh vật sống ở đó.

Vì thế, trước khi có ý định giết chúng, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ những điều trên và biết đâu nó sẽ làm thay đổi hành động của bạn.

(Nguồn tham khảo: Datviet/Lifeslittlemysteries)

Châu chấu chết trong sợ hãi sẽ bị phân hủy lâu hơn


Nhà nghiên cứu Dror Hawlena tại Đại học Hebrew (Jerusalem) và các đồng nghiệp tại Đại học Yale (Mỹ) đã phát hiện ra rằng khi châu chấu chết trong sợ hãi, tỉ lệ carbon chuyển thành nitơ của nó sẽ cao hơn 4% so với những con chết trong yên bình. Điều này khiến nó lâu bị phân hủy hơn. 



Theo nhà nghiên cứu Hawlena, kết luận này đã làm sáng tỏ cách thức ảnh hưởng của động vật săn mồi và con mối tới sự hình thành đất cũng như ảnh hưởng kéo dài bởi hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt gây ra cho mùa vụ và chu kì tăng trưởng.

(Nguồn tham khảo: Bee)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày