Nếu là fan của series phim nổi tiếng Điệp viên 007, hẳn bạn sẽ không thể quên được những cảnh hành động đầy mạo hiểm của James Bond. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn để ý tới những chiếc
siêu xe được nhân vật này sử dụng trong phim hay chưa?
Mỗi chuyến phiêu lưu, James Bond thường lựa chọn cho mình một siêu “xế” cực khủng giúp anh hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Nổi tiếng trong số đó phải kể tới những siêu xe của Aston Martin - một thương hiệu xe của Anh. Những dòng xe như DB5, DBS, V8 hay V12… đã từng xuất hiện trong rất nhiều cuộc phiêu lưu của chàng siêu điệp viên.
Hãy cùng đột nhập vào nhà máy sản xuất của thương hiệu này để tìm hiểu thêm về quy trình làm nên một chiếc siêu xe cho điệp viên 007 như thế nào.
Aston Martin có lẽ là thương hiệu xe hơi hiếm hoi trên thế giới đi “ngược” xu hướng thời đại. Nếu như các hãng xe nổi tiếng khác không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất tự động thì Aston Martin lại phát triển theo hướng lắp ráp ô tô bằng tay.
Theo ước tính, mỗi chiếc xe của thương hiệu này cần tới 250 giờ lao động thủ công mới hoàn thành trọn vẹn.
Trong lịch sử 101 năm tồn tại, Aston Martin mới chỉ sản xuất được khoảng 70.000 chiếc dù nhà máy của họ hiện nay có thể xuất xưởng 4.000 xe mỗi năm. Thậm chí, có thời điểm như năm 1992, hãng này chỉ cho ra lò vỏn vẹn có 42 chiếc siêu xe mà thôi.
Tuy nhiên, điều kì lạ là trải qua 101 năm, 85% xe của Aston Martin từng sản xuất vẫn còn chạy tốt.
Một chiếc siêu xe được làm nên bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo. Trong nhà máy của Aston Martin, ta bắt gặp những chuyên gia thiết kế làm việc hàng ngày với máy tính để tạo ra những siêu phẩm xe hơi.
Hiện nay, phần mềm được Aston Martin áp dụng là Autodesk Alias. Với chương trình này, các kĩ sư ở đây có thể rút ngắn thời gian thiết kế đi rất nhiều.
Điển hình như trước đây họ mất 2 tuần để hoàn chỉnh hình ảnh một chiếc bánh xe thì nay công việc đó chỉ tốn mất vỏn vẹn một ngày mà thôi.
Các thiết kế xe hoàn chỉnh trên máy tính sẽ được chuyển tới công đoạn làm mô hình bằng đất sét. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong một tuần và được kiểm soát bằng máy tính.
Mô hình xe bằng đất sét này có giá trị lên tới 200.000 bảng Anh (tương đương hơn 6,8 tỷ VND) và được sử dụng làm khuôn mẫu cho tới khi xe thật được lắp ráp đầy đủ.
Sau khi mô hình thiết kế hoàn chỉnh, các công nhân của Aston Martin bắt đầu chế tạo và làm các bộ phận nội thất. Trong công đoạn này, Aston Martin đề cao tính cá nhân trong từng chiếc siêu xe.
Vì vậy, nội thất trong mỗi sản phẩm là khác nhau về tông màu, chất liệu, kích thước… Đặc biệt, theo quy định của nhà máy, mỗi công nhân lành nghề sẽ đảm nhiệm tất cả các khâu nội thất trên một chiếc xe duy nhất.
Hình ảnh một công nhân đang bọc da cho ghế ngồi của một siêu xe Aston Martin One - 77. Theo người đàn ông này chia sẻ, mỗi chiếc ghế ngồi của dòng xe trên đều được làm dựa theo dáng người, chiều cao, cân nặng và sở thích của khách đặt hàng.
Đó là lý do mà mỗi siêu xe One – 77 mang về cho Aston Martin khoảng 1,15 triệu bảng Anh (tương đương hơn 39 tỷ đồng).
Song song với quá trình thiết kế nội thất, khung xe sẽ được đem đi sơn rất cẩn thận. Theo ước tính, thời gian sơn hoàn chỉnh một mẫu xe bán chạy nhất của hãng này có thể lên tới 50 giờ lao động.
Trong trường hợp của Aston Martin One - 77, khung và gầm xe sẽ được sản xuất và sơn hoàn chỉnh ở Canada trước khi chuyển về nhà máy ở Anh để lắp ráp hoàn thiện.
Về phần động cơ, những siêu xe thuộc hãng này sở hữu sức mạnh không thua kém bất cứ sản phẩm nổi tiếng nào khác của BMW, Ford, Ferrari…
Trên đây là hình ảnh hai công nhân đang lắp ráp động cơ V12 750 mã lực của Aston Martin One – 77, vốn được phát triển từ động cơ dành cho các xe đua F1. Theo các ông chủ ở đây, bộ phận này được làm từ sợi carbon và chiếm hơn nửa giá trị của chiếc siêu xe.
Sau khi tất cả các bộ phận cần thiết hoàn chỉnh, siêu xe của Aston Martin sẽ được lắp ráp hoàn toàn bằng tay. Những chi tiết đã được sơn sẽ được bọc cẩn thận để tránh gây ra các vết xước trong quá trình lắp ráp.
Với những vị trí nhỏ khó lắp, thậm chí công nhân còn phải trèo lên xe và làm việc trong tư thế như thế này.
Trước khi siêu xe được chuyển tới với chủ nhân của chúng, các chuyên gia kĩ thuật sẽ kiểm tra khả năng vận hành. Và biểu tượng Aston Martin được gắn lên mui xe chính là lời khẳng định cho chất lượng tốt nhất của từng sản phẩm xuất xưởng.
(Nguồn: Bloomberg, Esquire, Wired, Automoblog, Wikipedia)