Phát hiện hóa thạch ruồi "ma cà rồng" cổ đại
|
Theo tạp chí Live Science đưa tin, các nhà khoa học vừa công bố hóa thạch của ruồi dơi - loài côn trùng “ma cà rồng” nhỏ sống dựa vào máu của loài dơi và sau đó truyền bệnh sốt rét. Chúng xuất hiện cách đây ít nhất 20 triệu năm.
Hóa thạch ruồi dơi được bảo quản trong hổ phách. Ảnh: George Poinar, ĐH Oregon State. Các nhà khoa học cho hay, hóa thạch ruồi dơi được phát hiện trong một mẩu hổ phách (có niên đại khoảng 20-30 triệu năm) từ mỏ La Búcara thuộc rặng núi Cordillera Septentrional (Cộng hòa Dominica, vùng Caribe). Ruồi dơi chỉ rời khỏi những con dơi trong mùa giao phối và trong trường hợp này, một con ruồi dơi đã vô tình bị mắc kẹt trong nhựa dính của cây và được bảo quản cho tới ngày nay.
“Ruồi dơi là một trường hợp đặc biệt của sự tiến hóa, nó sống phụ thuộc vào những con dơi và trường hợp này không được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới”, nhà động vật học George Poinar, người đứng đầu nghiên cứu này, làm việc tại ĐH Oregon State (Mỹ) nói.
Theo thông tin trên tạp chí Science Daily, ruồi dơi truyền dịch bệnh sốt rét, cung cấp thêm bằng chứng rằng bệnh sốt rét đã từng hoành hành cách nay 20 triệu năm. Chi ruồi dơi được phát hiện trong nghiên cứu này hiện nay đã tuyệt chủng.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
Indonesia: Núi lửa phun trào, khói bụi cao 2km
|
Hôm 10-2, núi lửa Lokon ở bắc Sulawesi, Indonesia lại phun trào, tung ra những đám mây tro bụi cao tới 2km lên bầu trời - Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia cho hay.
Ngọn núi lửa cao 1.578m phát nổ vào 8h20 sáng (giờ địa phương), hiện chưa có báo cáo về thương vong. “Hoạt động của núi lửa đã tăng cường kể từ hôm qua trước khi nó phát nổ vào sáng nay. Chiều cao của cột khói tro bụi ước tính khoảng 2.000m” - Warno, một nhân viên quan sát núi lửa cho biết.
Hình ảnh núi lửa Lokon phun trào hồi tháng 7/2011.
Cư dân ở khu vực phía đông miệng núi lửa, trong vòng bán kính 3,5km, được thông báo di dời, Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai núi lửa và địa chất Indonesia cho biết trên trang web.
Indonesia nằm trong “vành đai lửa”, một vòng cung các đường đứt gãy quanh vành đai Thái Bình Dương, với mật độ núi lửa cao nhất thế giới. Hiện quốc gia này có 500 núi lửa, trong đó 128 ngọn đang hoạt động và 65 ngọn được liệt kê vào loại nguy hiểm. Núi lửa Lokon phun trào nhiều lần vào năm ngoái và gần đây nhất là tháng 12.2011, nhưng không ai bị thương vong.
(Nguồn tham khảo: Tin180)
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học y Stanford ở California, Mĩ đã thí nghiệm chuyển đổi trực tiếp tế bào da thành tế bào trong các thành phần chính của não trên chuột, bỏ qua giai đoạn tế bào gốc trung gian.
Tế bào gốc, vốn có thể trở thành bất cứ loại tế bào đặc biệt nào, từ não cho tới xương, được cho là một bước tiến đầy hứa hẹn trong lĩnh vực điều trị trong y học. Tuy nhiên, phương pháp này đang gây ra những lo ngại đạo đức.
Một phương pháp thay thế là dùng tế bào da, lập trình lại thành các tế bào gốc thích ứng. Tế bào loại này có thể được lấy trực tiếp từ bệnh nhân và sau đó biến chúng thành loại tế bào mong muốn. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ gây kích hoạt các gen gây ung thư.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học y Stanford ở California đang xem xét một lựa chọn khác. Chuyển tế bào da của chính bệnh nhân thành tế bào đặc biệt, tế bào thần kinh, mà không cần tạo ra các tế bào gốc thích ứng. Nghiên cứu này tạo ra các tế bào tiền thân nơron, sẽ phát triển thành 3 dạng tế bào ở não: tế bào thần kinh (neuron), tế bào hình sao (astrocyte) và tế bào ít gai (oligodendrocyte).
Các tế bào tiền thân này có một ưu điểm là một khi được tạo ra, chúng sẽ phát triển với số lượng vô cùng lớn trong phòng thí nghiệm. Điều này rất quan trọng nếu tế bào này được dùng trong bất cứ liệu pháp điều trị y học nào. Tế bào não và tế bào da chứa thông tin gen giống nhau. Tuy nhiên mã gen được diễn dịch khác nhau, phụ thuộc vào quy định của các nhân tố phiên mã.
Các nhà khoa học, cho biết nghiên cứu này đã mở ra một cách mới trong việc tái tạo các tế bào thần kinh bị tổn thương bằng cách sử dụng các tế bào xung quanh vùng bị tổn thương.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
Thực trạng và hành trình giải cứu gấu nuôi nhốt lấy mật ở Việt Nam trên National Geographic |
Tại một trang trại ở ngoại thành Hà Nội, 20 con gấu ngựa bị nhốt trong lồng sắt đang thở hổn hển vì khát. Chúng đờ đẫn và tuyệt vọng nhìn qua song sắt, chờ nỗi đau đớn khi bị chọc thủng bụng. Đó là tình cảnh được phóng viên của tạp chí thuộc Hội địa lý Mỹ, National Geographic mô tả về tình trạng nuôi nhốt và lấy mật gấu trái phép phổ biến hiện nay ở Việt Nam.
Trong quá trình lấy mật, gấu sẽ bị gây mê và trói chặt. Sau đó, chúng bị chọc liên hồi vào bụng bằng một chiếc kim dài cho đến khi con người xác định đúng vị trí của túi mật mới thôi.
Ở một số trang trại "nhân đạo" hơn, họ sử dụng máy siêu âm để dò vùng túi mật. Điều này giúp gấu bớt đau đớn hơn vì không bị chọc kim nhiều lần, nhưng đâm kim thăm dò nhiều lần vẫn là phương pháp phổ biến nhất.
Điểm phân biệt gấu ngựa với loài gấu khác là có một hình lưỡi liềm màu vàng nhạt trên phần lông ở phía trước ngực. Đây là loài gấu cho mật có nồng độ axit ursodeoxycholic (UDCA) cao nhất.
Axit này được cho là do gấu tiết ra trong mật như một thứ thuốc tự nhiên để bảo vệ gan, chống sự hình thành các cục sỏi mật và chống nhiều loại bệnh khác trong quá trình ngủ đông dài. Mật gấu được tôn sùng như là phương thuốc chữa mọi thứ bệnh từ bầm dập cho đến ung thư, và thậm chí được coi như thuốc tráng dương. Điều đó khiến mật gấu, và những con gấu trở thành mặt hàng có giá trị và bị săn lùng.
Gấu ngựa được liệt kê là loài có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng, tại Việt Nam, việc nuôi gấu lấy mật là trái pháp luật. Dù đã có nhiều biện pháp nhưng thị trường mật gấu ngàng càng phát triển. Chính lợi nhuận kinh tế với giá cao cắt cổ đã khiến nhiều người nông dân, lâm tặc từ bỏ ý định thả gấu vừa bẫy được vào tự nhiên.
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Chủ tịch tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam (AAF) cho biết, từ năm 2007 Việt Nam đã đưa ra luật bảo vệ gấu, nhưng tại cửa khẩu, luật bảo vệ gấu dường như không có ý nghĩa.
Ông Tuấn đã nhiều lần đàm phán với chủ sở hữu gấu nhưng bất thành. Tổ chức AAF kêu gọi các hộ gia đình từ bỏ những con gấu và cho phép chúng đến một khu bảo tồn tại Tam Đảo. Ở đó, những chú gấu từng bị xâm hại do tổ chức AAF cứu về sẽ được chữa trị và nghỉ ngơi.
Theo ước tính của AAF, còn khoảng 4.000 con nữa vẫn đang bị nhốt trong những chiếc lồng ẩm thấp, chật chội, chịu đói, khát và chịu đau đớn vì nhiều lần bị chích mật ở các trang trại Việt Nam.
(Nguồn tham khảo: National Geographic)