Rùa biển là một trong những loài sinh vật lâu năm nhất trên trái đất. Chúng đã tồn tại gần 200 triệu năm, lâu hơn cả khủng long và đã thích nghi rất tốt với những biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sáu trong số bảy loài rùa biển trên đang có nguy cơ tuyệt chủng và viễn cảnh này ngày càng xấu hơn mặc dù việc buôn bán các loại rùa biển đã bị cấm ở 166 nước thành viên CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật nguy cấp.
Tìm về quê hương
Rùa biển là loài bò sát, sống lâu năm. Trong vòng đời phát triển của mình, rùa biển trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, bắt đầu từ những bãi cát ven biển, lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển ven bờ rồi trôi dạt ra tít ngoài đại dương. Đến mùa sinh sản, chúng trở lại vùng rạn san hô để kết đôi và trở về đúng nơi nó đã sinh ra để làm tổ và đẻ trứng.
Rùa xanh có kích thước lớn nhất trong số các loài rùa biển có mai cứng
và cũng là loài rùa biển duy nhất chỉ ăn thực vật.
Rùa biển sinh sống ở hầu hết các đại dương, chỉ trừ Bắc Băng Đương. Độ tuổi trưởng thành để kết bạn và đẻ trứng của rùa biển cao hơn con người, khoảng 30 tuổi. Nói về rùa biển, có lẽ điều đáng phục nhất là sự nỗ lực của những con rùa mẹ vào mùa đẻ trứng. Không chỉ bởi chúng biết tìm về nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để cho những chú rùa con chào đời mà còn bởi cái sự “vượt cạn” ấy đầy gian nan và cố gắng.
Tất cả các loài rùa biển đều áp dụng cách làm tổ/ổ giống nhau, đó là dùng vây để bới những hố cát, sâu khoảng 40-50cm. Sau khi đào xong bãi đẻ, rùa cái bắt đầu đẻ trứng, mỗi ổ trứng cũng là mỗi lứa đẻ, khoảng 90-130 trứng. Xong đâu đấy, rùa mẹ vùi cát để giấu đi ổ trứng của mình. Có khi, chúng còn đào một vài bãi đẻ khác để đánh lạc hướng kẻ thù. Tất cả quá trình này diễn ra nhanh chóng, chỉ khoảng 30 phút đến một giờ, thường vào ban đêm.
Lý do khiến rùa mẹ lên bãi đẻ về đêm vì chúng sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn. Chúng chọn thời điểm nước ròng, tức mực nước biển cách bãi cát khoảng 3m. Các nhà khoa học giải thích sở dĩ như vậy là vì từ lúc sinh ra đến lúc rùa thành thục sinh sản (khoảng 35 năm), rùa biển tuyệt đối ở dưới nước và bơi bằng bốn chi của mình. Do đó, bốn chi của chúng rất khỏe nhưng đó chỉ là thế mạnh của chúng khi ở dưới biển, còn khi ở trên bờ chúng rất yếu nên phải chờ khi nước lên để không bị mất sức.
Quãng thời gian cho tới khi trứng nở khoảng hai tháng, dĩ nhiên còn dao động phụ thuộc vào nhiệt độ của cát. Nhiệt độ trong cát càng cao thì thời gian ấp trứng càng ngắn. Nhiệt độ bên ngoài cũng quyết định đến giới tính của rùa con.
Đến “ngày lành”, ổ trứng cựa quậy, những chú rùa con tự phá tung vỏ bọc và đội cát ngoi lên để khẳng định “quyền công dân”. Như một bản năng trời phú, những chú rùa con khua những mái chèo tí hon rẽ cát hướng về biển khơi. Đây có lẽ là thời khắc đẹp nhất của loài rùa, cũng là một hình ảnh đẹp về thế giới hoang dã.
Tuy nhiên, trong hàng nghìn chú rùa sinh ra, chỉ có một số lượng rất nhỏ rùa con sống sót, các chuyên gia ước tính tỉ lệ này khoảng từ 1/10.000 đến 1/1.000, nghĩa là trong một nghìn đến một vạn rùa non ra đời, chỉ có 1 chú sống sót cho tới khi trưởng thành.
Cận cảnh Rùa Biển để trứng
“Sản phụ” rùa biển tại bãi biển khu bảo tồn Ujung Genteng, Indonesia.
Rùa hất cát để lấp ổ trứng sau khi đẻ.
Nhân viên khu bảo tồn thu hồi trứng rùa để bảo vệ.
Vào mùa sinh sản, mỗi rùa mẹ đẻ trung bình 5 ổ trứng, mỗi ổ có thể lên tới 500 quả. Trên 80% số trứng trong mỗi lứa đẻ của rùa nở thành công. Một con rùa mất 30-50 năm để tới giai đoạn trưởng thành, nhưng cứ 1.000 cá thể mới có một con sống sót tới giai đoạn đó.
Nhiệt độ càng tăng thì số lượng rùa cái trong một tổ càng nhiều. Các nhà khoa học đã biết cách tận dụng đặc tính này để điều chỉnh số lượng của rùa theo giới tính bằng nhiệt độ.
Theo bản năng tự nhiên, rùa con quay đầu về phía biển ngay sau khi chui ra từ vỏ trứng để bắt đầu cuộc sống lang thang dưới đáy đại dương trong ít nhất 3 thập kỷ.
Đến tuổi trưởng thành, rùa sẽ trở về đúng nơi nó được sinh ra để thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Chưa có nhà khoa học nào đưa ra được đáp án đáng thuyết phúc cho câu hỏi: Tại sao rùa có thể nhớ chính xác nơi chúng đã chào đời.
Mối đe dọa lớn từ con người
Xung quanh rùa biển con là biết bao mối nguy hiểm và những kẻ thù săn mồi như chuột, rắn, cầy, diều hâu…nhưng với rùa biển nói chung, mối đe dọa hàng đầu chính là con người.
Hiện nay, rùa biển đang bị đánh bắt và buôn bán phổ biến ở nhiều nơi, mặc dù đây là hành động trái pháp luật. Số lượng rùa biển trên thế giới đang suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, con người đánh bắt rùa biển bừa bãi nhằm mục đích lấy thịt và mai bán cho khách du lịch hay tán làm thuốc chữa bệnh. Ước tính của Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên cho biết mỗi năm có khoảng 35.000 cá thể rùa biển bị giết ở Mexico và cũng một lượng tương tự bị khai thác ở Nicaragua. Đó đều là các quốc gia Trung Mỹ.
Một "em" rùa biển bị bệnh ở da do ô nhiễm nước biển.
Môi trường sống của rùa biển là các rạn san hô, đang bị tàn phá và suy giảm nghiêm trọng do hoạt động dùng mìn nổ để khai thác hải sản của con người.
Một lượng lớn rùa biển cũng bị chết do vô tình mắc vào lưới đánh cá của ngư dân khiến chúng không thể ngoi lên mặt nước đế thở và dần dần chết ngạt. Ở Vịnh Bengal, Nam Á, riêng trong năm 2007, gần 1.000 cá thể rùa biển đã bị chết vì bị mắc kẹt vào lưới đánh cá.
Đặc biệt, các bãi cát nơi rùa cái sinh sản đang bị con người xâm phạm nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng đến việc đẻ trứng của rùa mẹ và khả năng sống sót của rùa con. Không chỉ các loài động vật khác, ngay cả con người cũng trở thành đối tượng đánh cắp trứng rùa.
Nhiều loại rùa biển cũng bị chết do mắc bệnh Fibropapillomatosis, một căn bệnh gây ra u bướu ở rùa. Các bướu này mọc ở trên da, miệng hoặc mắt. Dần dần các u bướu này phát triển cả về số lượng lẫn kích cỡ cho đến khi rùa chết.
Nguyên nhân cuối cùng khiến cho số lượng rùa biển suy giảm là do khí hậu toàn cầu đang nóng lên. Bởi vì nhiệt độ cát sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xác định giới tính cho rùa. Nhiệt độ càng cao thì số lượng rùa cái càng nhiều. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng nhiệt độ cứ tiếp tục tăng cao thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cân bằng giới tính của rùa biển.
Con người cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.