Robot sâu bướm 200 năm tuổi |
Người ta thường nghĩ robot là thành tựu của kỷ
nguyên hiện đại. Nhưng từ thế kỷ thứ XIX, những người thợ tài hoa đã chế
tạo được robot như một con sâu bướm và có thể tự động di chuyển.
Điểm
nổi bật là robot sâu bướm được làm với khung vàng, nạm kim cương và
ngọc, vật chế tác này mang dáng vẻ thanh thoát độc đáo hơn hẳn các phiên
bản bắt chước hiện tại.
Những con sâu bướm robot này được thợ đồng hồ người Thụy Sĩ - Henri Maillaer chế tạo để bán cho những người Trung Quốc giàu có.
Sâu
bướm vận hành theo cơ chế ổ đĩa của đồng hồ với sự hỗ trợ của một cặp
bánh xe vàng. Theo hãng Sotheby thì lần gần đây nhất vào năm 2010, một
sâu bướm được đem ra bán đấu giá có tên là Ver de Sole - có nghĩa là con
tằm.
Hiện nay trên thế giới chỉ tồn tại 6 con
sâu bướm robot, được bảo quản trong những bộ sưu tập có uy tín ở châu
Âu như Bảo tàng Patek Philippe, bộ sưu tập Sandoz.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)
Phát hiện hóa thạch cổ nhất Địa cầu |
The Washington Post đưa tin, khi phân tích đá tại Úc, chuyên gia Nora Noffke của ĐH Old Dominion (Mỹ) đã phát hiện dấu vết của vi khuẩn từng xuất hiện khoảng 3,49 tỉ năm trước, khi Trái đất mới được 1 tỉ năm tuổi. Nó được coi là hóa thạch cổ nhất thế giới.
Không giống như xương khủng long, các hóa thạch mới phát hiện không phải là những phần của cơ thể. Chúng là các kết cấu trên bề mặt sa thạch, đã được khắc bởi những sinh vật sống cách đây vài tỉ năm.
Vùng Pilbara thuộc Tây Úc, nơi lưu giữ dấu vết của sự sống cổ nhất trên Trái đất.
Khu vực Pilbara cổ đại, ở phía Bắc vùng Tây Úc, từng là các dải đất ven bờ và đá được bồi đắp bởi trầm tích từ hàng tỉ năm trước đang trong tình trạng lộ thiên, cho phép các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu.
Điều này đã mở ra hy vọng cho nỗ lực tìm kiếm sự sống cổ đại trên những hành tinh khác như Sao Hỏa. Nhiều khả năng tàn tích của sự sống vẫn nằm đâu đó trên bề mặt hành tinh Đỏ chờ con người khám phá.
(Nguồn tham khảo: The Washington Post)
Nghiên cứu cách loài chim học hót |
Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành xây dựng mô hình toán học để giải thích tại sao loài chim có thể hót đúng âm điệu. Họ hi vọng mô hình này có thể được ứng dụng đối với các loài khác, bao gồm cả con người.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng, những con chim trưởng thành có thể sửa chữa các khác biệt nhỏ trong thanh âm nhanh và tốt hơn.
Tiến hành nghiên cứu trên chim sẻ Bengalese, họ nhận thấy, tương tự như con người, loài chim học phát ra âm thanh qua lắng nghe các con chim trưởng thành. Vài ngày sau khi nở, chim sẻ Bengalese bắt đầu bắt chước tiếng kêu của chim trưởng thành. Ban đầu, tiếng của chúng rất khác và không nhận ra được.
Chim sẻ non tiếp tục thực hành, lắng nghe tiếng của mình và sửa các lỗi sai cho đến khi chúng có thể hót giống những con chim lớn hơn. Khi chúng lớn hơn, khoảng cách giữa các lỗi sai rút ngắn lại.
Có một giả thuyết cho rằng, não của người cũng như chim trưởng thành có xu hướng loại bỏ các khác biệt lớn và chú ý nhiều hơn vào các khác biệt nhỏ.
Để sửa chữa lỗi sai, bộ não phải dựa vào các cảm giác. Vấn đề là, khó có thể tin vào các cảm giác, ví dụ khi có tiếng ồn từ môi trường bên ngoài, bộ não có thể cho rằng nó nghe nhầm và bỏ qua các cảm nhận của giác quan.
Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng mô hình toán học này có thể được ứng dụng để hỗ trợ phát triển hệ thống liệu pháp phục hồi giọng nói cho con người, đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm về hoạt động nhận biết của bộ não.
(Nguồn tham khảo: Science Daily)