Theo báo cáo mới đây, sứ mệnh Kepler của NASA – săn tìm các hành tinh giống trái đất – đã khám phá hơn 500 thế giới gần giống như trái đất, ngoài ra còn 1.200 ứng cử viên được đặt vào dạng nghi vấn.
So sánh kích thước các hành tình được tìm thấy bởi kính thiên văn Kepler với sao Mộc và Trái đất
Giống về kích thước là một chuyện, nhưng ở đó có khả năng tồn tại sự sống hay không mới là điều quan trọng. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học phải mất hàng chục năm nỗ lực, quan sát, phân tích thông tin từ các kính thiên văn trên mặt đất. Những thiết bị này có nhiệm vụ đo đạc sự khác biệt từng phút của ánh sáng phát ra từ các ngôi sao dưới tác động của những lực hấp dẫn bởi các hành tinh xoay xung quanh.
Rồi cả việc tính toán khoảng cách của chúng so với mặt trời bởi lẽ phải nằm ở đúng vị trí cần thiết và có kích thước hết sức chuẩn cho phép nước ở dạng lỏng xuất hiện trên bề mặt hành tinh, mà ở đâu có nước là ở đó có sự sống.
Về phần mình, Kevin Heng - nhà khoa học tới từ Viện thiên văn học tại Zurich, Thụy Sỹ - trong suốt nhiều năm qua chỉ nghiên cứu về khí hậu của các hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời.
Năm 2007, Travis Barman, một nhà thiên văn học tại Đài quan sát thiên văn Lowell ở Flagstaff, Arizona (Mỹ) cho biết hơi nước được tìm thấy trong khí quyển của HD 209458b - một hành tinh lớn ở thể khí giống sao Mộc, cách Trái đất 150 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Pegasus.
Có nước trên HD 209458b, nhưng Kevin khẳng định: “Đây là hành tinh tôi không bao giờ muốn ghé thăm. Bởi lẽ nó nóng như thiêu đốt, con người không bao giờ chịu được”.
Khí hậu ở hành tinh này còn khắc nghiệt đến độ, gió siêu mạnh thổi suốt ngày với vận tốc lên tới 7.200 km/h (theo thang sức gió, bão cấp 12 có tốc độ gió từ 118-132 km/h, có thể tạo nên những cơn sóng thần cao hơn 14 mét). Kết quả này đồng nghĩa với việc sự sống khó có thể tồn tại trên hành tinh HD 209458b.
Trước mắt, công việc của các nhà khoa học càng "chồng chất" khi Kepler "đưa về" đến hàng nghìn hành tinh mang "ẩn số" có sự sống ngoài Trái Đất như đã nói ở trên.