Là một thành viên trong gia đình “
hàng hiệu bình dân” như
H&M và
ZARA, Forever21(hay F21) luôn là thành viên có mức giá sản phẩm trên thị trường thấp nhất.
Các sản phẩm dòng thời trang “mỳ ăn liền” với mẫu mã đa dạng, chất lượng chấp nhận được nhưng có giá trị cực rẻ đã giúp F21 trụ vững trước hàng loạt tên tuổi đình đám trên thế giới, đồng thời đem lại cho người sáng lập - Do Won Chang - một khoản doanh thu hàng năm lên tới 3,8 tỉ USD (khoảng 80 nghìn tỉ VND).
Nhưng bí mật gì trong quy trình sản xuất đã giúp F21 duy trì sản phẩm của mình như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp điều này.
Trước tiên, bất kỳ thương hiệu nào muốn thành công đều phải dựa trên thiết kế. Cũng giống như các đối thủ cạnh tranh, các thiết kế của Forever21 luôn bám sát thị hiếu và xu hướng thời trang mới nhất trên thị trường, đúng với phương châm thời trang “mỳ ăn liền”.
Nhân vật bí ẩn của thương hiệu F21 (Ảnh minh họa)
Đặc biệt hơn, điều khiến các sản phẩm của F21 luôn đạt mức giá rẻ nhất đó là do chi phí thiết kế của họ thực sự rất rẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007, giám đốc thương hiệu Chang đã thẳng thắn chia sẻ rằng, công ty không hề có đội ngũ thiết kế mà chỉ có một “nhà thiết kế am hiểu thị trường”. Danh tính của nhà thiết kế này hiện vẫn đang còn là điều bí ẩn.
Cũng giống các đối thủ, thiết kế của F21 luôn bám sát xu hướng
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lý do chi phí thiết kế của F21 rẻ thực sự là do họ… “đạo” ý tưởng từ các nhà thiết kế khác. Dù Zara hay H&M đều không ít lần vướng phải các vụ kiện tụng, nhưng có lẽ chưa ai đạt đến “trình độ” như F21.
Đến nay, thương hiệu này đã phải hầu tòa hơn 50 lần với cáo buộc ăn cắp ý tưởng. Nạn nhân của họ có thể kể đến là những nhà thiết kế như Diane Von Furstenberg, Anna Sui, Feral Childe, Betsey Johnson, Richmond’s Granted… Tuy vậy, lần nào đội ngũ luật sư hùng hậu của F21 cũng giúp họ thoát hiểm ngoạn mục.
Hoa văn thiết kế của Feral Childe (trái) được Forever21 (phải) sử dụng
Lý do được những nhà quản lý thương hiệu F21 đưa ra đó là họ chỉ “tham khảo ý tưởng” và “học hỏi công nghệ”.
Nguyên nhân sâu xa hơn phải kể đến là do luật pháp quốc tế về bảo vệ mẫu mã thời trang hiện nay chưa được chặt chẽ, khiến nhiều thương hiệu sẵn sàng "lách luật".
Đồng thời, với nguồn tài chính dồi dào, họ sẵn sàng kéo dài vụ kiện đến… vô tận. Và tất nhiên, bài toán tài chính đã khiến những nhà thiết kế nhỏ lẻ đành phải… ngậm ngùi rút đơn kiện.
Chiếc váy của Diane von Furstenberg (trái) và F21 (phải)
Các chuyên gia kinh tế cũng vài lần thử đặt bút giải bài toán kinh tế của F21. Kết quả cho thấy, việc "nhái hàng" các thương hiệu lớn giúp F21 tiết kiệm tối đa chi phí thiết kế.
Đồng thời, số tiền phải chi trả cho những vụ kiện không thể nào so sánh được với những gì thu lại được từ các mặt hàng được bán ra trên toàn thế giới.
Đôi boot từ nhà thiết kế Alexander Wang (trái) và "hàng nhái từ F21 (phải)
Chiếc váy của Foley và Corina (trái và giữa) và phiên bản giống đến 90% của F21 (phải)
Sau khi câu chuyện về thiết kế được giải quyết, tiếp đến sẽ là câu chuyện về sản xuất. Hãng đặt rất nhiều nhà máy tại các nước châu Á có chi phí nhân công thấp như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Bangladesh…
Bên trong một nhà máy sản xuất của F21 Ngoài ra, F21 cũng làm việc với một số lượng lớn những nhà bán buôn. Họ đặt hàng sản xuất số lượng lớn với chi phí rẻ, sau đó bán lại với một mức giá khó tin.
Sau khi sản xuất, các sản phẩm của F21 sẽ được vận chuyển về trung tâm phân phối tại trụ sở chính ở Los Angeles, California. Tại đây, các sản phẩm quần áo, giày dép sẽ được phân phối đi các cửa hàng trong hệ thống bán lẻ.
Một trong những nhà phân phối của F21 Cũng giống Zara hay H&M, F21 cũng duy trì vòng quay sản phẩm khá nhỏ. Cứ cách vài tuần, khách hàng sẽ lại thấy các cửa hàng trong hệ thống F21 có hàng mới để bán.
Các cửa hàng của Forever21 luôn có hàng mới
Tuy nhiên, thương hiệu này luôn xứng đáng là “bậc thầy” về khoản… cắt
giảm chi phí nhân công. Chuỗi cửa hàng F21 luôn thuê các nhân công làm
việc bán thời gian, với mức chi phí rẻ mạt, thậm chí từ chối chi trả phụ
cấp ăn giữa giờ nghỉ.
Một công nhân nhà máy tại miền Nam California đã
tố cáo rằng, cô chỉ được trả 12 cent (khoảng... 3.000 VND) để khâu một cái
áo vest được bán với giá 14 USD (khoảng 300.000 VND).
Là một thương hiệu lớn, nhưng có vẻ như F21 luôn gặp những lời phàn nàn đến từ người lao động
Không rõ có phải vì quá tiết kiệm hay không mà F21 là thương hiệu nhận được nhiều phàn nàn nhất về chất lượng sản phẩm.
Một số diễn đàn trên thế giới thậm chí đã đăng khá nhiều bài viết về “bí quyết mua sắm tại Forever21” nhằm có được những sản phẩm giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng.
Nhưng cho dù gặp phải khá nhiều rắc rối về mặt pháp lý hay đạo đức doanh nghiệp, F21 hiện nay vẫn duy trì là một trong những thương hiệu được giới trẻ ưa chuộng nhất thế giới, nhờ vào chính sách “rẻ, đẹp, mẫu mã thay đổi liên tục”.
Nguồn: Business Insider, Wikipedia, NYtimes, Jezebel, Pacific Standard