Có thể khẳng định một điều, dù là thương hiệu đẳng cấp hay bình dân thì cũng đều phải trải qua một số công đoạn bắt buộc trong quá trình sản xuất. Bước đầu tiên đó chính là thiết kế.
Thiết kế của ZARA và các thương hiệu bình dân nói chung chủ yếu mô phỏng theo những xu hướng thời trang đương đại. Xu hướng thời trang này được gọi là “instant fashion” (Thời trang “mì ăn liền”). Tuy nhiên, phương pháp của ZARA có phần khác biệt - đó là dựa trên công nghệ thông tin.
Sau khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những thông tin về bán hàng như sự ưa thích, lời nhận xét phản hồi của khách hàng, cùng số lượng hàng tồn kho, hàng bị hoàn trả... tất cả đều được số hóa và phân tích, chọn lọc. Từ đây, đội ngũ thiết kế sẽ lại tiếp tục tạo nên sản phẩm bám sát xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng.
Hàng năm Zara cho ra đời 40.000 mẫu thiết kế mới, trong đó khoảng 1/4 mẫu được sử dụng để sản xuất. Một số mẫu thiết kế khác có thể phỏng theo những xu hướng thời trang mới nhất.
Tuy nhiên, ít ai ngờ, nhiệm vụ của đội ngũ thiết kế chính của ZARA không phải là tạo nên xu hướng mới, mà là tái hiện những gì sẵn có, đồng thời cải tiến để tạo thành sản phẩm mới hơn.
Đội thiết kế thường được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 đưa ra những thiết kế sơ bộ theo chu kỳ 6 tháng, dựa trên các dữ liệu cơ bản từ thị trường. Nhóm tiếp theo biến tấu các thiết kế theo xu hướng hiện hành.
Nhóm cuối cùng sử dụng chính những bộ sưu tập đang có để sáng tạo ra những sản phẩm mới hơn. Hàng tháng, đội ngũ thiết kế 200 người của ZARA phải cho ra được ít nhất 1.000 mẫu khả dụng.
Dù chất liệu rẻ hơn, nhưng thiết kế vẫn vô cùng trang nhã, tinh tế.
Bởi vậy, ZARA có thể đánh bật những thương hiệu thời trang cao cấp bằng việc đem lại những sản phẩm tương tự, nhưng được làm với chất liệu rẻ hơn (như giả da hoặc len tổng hợp) và tất nhiên sản phẩm sẽ có mức giá rẻ hơn nhiều lần.
Với phương châm kinh doanh dựa trên hệ thống phân phối JiT (Just in Time - luôn bắt kịp xu hướng), ZARA đẩy nhanh vòng quay sản phẩm lên đến 300% so với các đối thủ như H&M, Gap.
Các nhà máy sản xuất của ZARA được đặt ngay tại châu Âu thay vì tại châu Á như các hãng thời trang khác. Amancio Ortega - ông chủ của ZARA tin rằng, dù chi phí nhân công có lớn hơn nhưng sản phẩm đến các cửa hàng sẽ nhanh hơn, đồng nghĩa với lợi nhuận cực lớn. Cách 2 tuần, các cửa hàng của ZARA lại có hàng mới để bán.
Các nhà máy ZARA nằm trong khu vực của Inditex - tập đoàn bán lẻ quần áo hàng đầu thế giới.
Với 14 nhà máy tự động hóa cao cấp ngay tại Tây Ban Nha cùng hệ thống robot làm việc sát sao từng giây, những thước vải nhuộm luôn sẵn sàng tạo ra vải thành phần.
Ngoài ra, ZARA còn đầu tư hệ thống mã vạch laser để phân loại, sắp xếp cả trăm ngàn miếng vải với tỉ lệ lỗi dưới 0,5% để kịp tiến độ. Vải chưa nhuộm màu được đặt hàng sẵn và có thể điều chỉnh màu linh hoạt tùy theo xu hướng.
Việc ứng dụng công nghệ cao giúp quy trình sản xuất đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Sản phẩm của ZARA được phân phối theo quy trình khép kín. Với hơn 11.000 thiết kế, các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng sẽ vận chuyển nguyên liệu đến La Coruna - thành phố nhỏ của Tây Ban Nha - nơi đặt trụ sở chính.
Những sản phẩm như quần áo, giày dép đều được sản xuất tại đây, sau đó phân phối đi các cửa hàng trên toàn châu Âu. Tuy nhiên với tốc độ phát triển thị trường như hiện nay, hãng đã mở rộng sản xuất tại các nước châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ của doanh nghiệp. Trong ảnh là một cửa hàng ZARA tại Bắc Kinh.
Giải quyết bài toán “hàng tồn kho” cũng không khó khăn với ZARA. Nguyên do là bởi số lượng sản phẩm trên mỗi mẫu thiết kế là không nhiều, giúp cho thiệt hại từ hàng tồn trở nên ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, điều này cũng góp phần giúp người tiêu dùng trở nên… quyết đoán hơn khi mua sản phẩm của hãng vì hàng có thể "cháy hàng" bất kỳ lúc nào.
Với những yếu tố như trên, ZARA đã trở thành một trong những thương hiệu được ưa chuộng nhất trên thế giới. Thậm chí dù là "hàng hiệu giá bình dân" nhưng ZARA được khá nhiều người nổi tiếng, thậm chí cả những ngôi sao hạng A trên thế giới tin dùng.
Nguồn: Wordpress, RetailWeek,Wikipedia