Quy trình đóng chai nước giải khát diễn ra như thế nào?

NAC, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 24/12/2015
Chia sẻ

Cùng tìm hiểu cách mà những loại nước đóng chai điển hình đang được sử dụng trên thế giới ra đời.

Gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của một hãng sản xuất nước giải khát nổi tiếng đang gây ra khá nhiều tranh cãi.

Nhưng không bàn đến góc độ đúng sai, bạn đã bao giờ thắc mắc xem những chai nước giải khát trên thế giới được sản xuất như thế nào chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thỏa mãn trí tò mò.

Quy trình sản xuất nước đóng chai nhựa điển hình

Bước đầu tiên để sản xuất nước đóng chai chắc chắn là... xử lý vỏ chai. Vỏ chai - dù mới ra lò hay đã qua sử dụng - đều được đưa tới một khu vực đặc biệt để làm sạch.

Bộ phận xịt nước sẽ chịu trách nhiệm lộn ngược vỏ chai. Điều này sẽ giúp cho vỏ chai được rửa sạch dễ dàng khi xịt nước từ dưới lên trên.

 Vỏ chai được lật úp xuống

 Nước xịt cực mạnh lên trên để đánh bay mọi vết bẩn

Sau khi được rửa sạch, những chiếc vỏ chai sẽ được đặt lại đúng chiều lên một chiếc băng chuyền, chờ đợi để được thực hiện nhiệm vụ vốn có của nó là đựng nước.

Cùng lúc này, các kỹ thuật viên tại phòng điều chế cũng bắt đầu công việc của mình. Tùy theo loại nước sản xuất - nước ngọt có gas, trà, nước giải khát... quy trình pha chế sẽ có khác biệt.

Đối với trường hợp nước ngọt có gas, việc đầu tiên họ sẽ đổ đầy nước đã được tiệt trùng vào trong một chiếc bể lớn. Đây là nguyên liệu chính có trong nước ngọt, chiếm khoảng 90% thành phần.

Tiếp theo, một dung dịch dạng siro sẽ được đổ vào và trộn lẫn với nước với liều lượng vừa đủ theo các tính toán của chuyên gia. 

Dung dịch siro này là một hỗn hợp của các chất tạo màu và hương vị tự nhiên, với một liều lượng vừa đủ được các chuyên gia tính toán cẩn thận. 

Sau đó, một lượng đường được chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như ngô hay mía sẽ được sử dụng để làm tăng độ đậm đà cho nước ngọt.

Để trộn đều nước, siro với đường một cách chính xác và cẩn thận phải có sự trợ giúp của một cỗ máy đặc biệt. 

Hỗn hợp dung dịch ở trên sẽ được đưa vào máy để thực hiện quá trình xử lý tách, trộn và xử lý để thu được dung dịch có chính xác nồng độ được yêu cầu.

Ngoài ra, đối với các loại nước ngọt có gas thì đến đây còn cần một bước rất quan trọng, đó là bơm khí gas - tức khí CO2 (carbon dioxide) để tạo bọt cho nước.

Nước ngọt sau khi được trộn để thu được nồng độ như quy định sẽ được đưa đến một cỗ máy khác, có nhiệm vụ bơm bọt khí CO2 vào nước. 

Sở dĩ nhà sản xuất sử dụng khí CO2 là vì loại khí này có khả năng tạo màu sắc nước ngọt lấp lánh, bắt mắt hơn - lại vừa là một chất bảo quản không độc hại cho sức khỏe con người.

Khí CO2 được bơm xong cũng chính là lúc những vỏ chai đã khử trùng được đưa đến nơi. Vỏ chai ngay lập tức được đưa vào một máy hút toàn bộ không khí ra và nước ngọt có gas sẽ được bơm đầy vào chai. 

Việc loại bỏ hoàn toàn không khí trong chai sẽ giúp nước ngọt có gas được bảo quản tốt hơn, và có thể ngăn ngừa hiện tượng oxy hóa.

Tiếp theo sau đó, chai nước sẽ nhanh chóng được đậy kín nắp, vặn thật chặt khi đi ngang qua thiết bị "đóng chai".

Sau đó, trước khi được đóng gói xuất xưởng, các chai nước sẽ được dán giấy nhãn mác lên thân chai. Sẽ có một cỗ máy hình trụ có chức năng vừa phết keo và dán giấy lên thân chai cùng một lúc.

Và cuối cùng trước khi được đưa ra ngoài để đóng thùng, các chai nước sẽ được “chăm sóc” bởi những công cụ giống như những chiếc bàn chải, với tác dụng biến những tờ giấy nhãn hiệu dán trên thân chai trở nên thẳng và mịn nhất.

Còn quy trình đóng chai thủy tinh thì sao?

Thực chất quy trình đóng chai thủy tinh cũng gần như tương tự so với chai nhựa, nhưng vẫn có một vài khác biệt nhỏ.

Đầu tiên, chai đã qua sử dụng sẽ được tập kết tại các nhà máy để làm sạch.

Chúng sẽ được đi qua thiết bị rửa chai, với một vòi nước có áp lực cực kỳ mạnh, đánh bay mọi vết bẩn và vi khuẩn.

Chưa hết, ngay sau khi rửa sạch, chai sẽ được chiếu dưới ánh đèn neon. Các công nhân sẽ loại bỏ bất kỳ chai nào có vấn đề.

Tiếp theo sẽ là bước bơm đầy nước vào trong chai và đóng nắp. Khác biệt ở đây nằm ở chỗ nắp chai sử dụng không phải là nắp nhựa xoắn, mà là loại nắp bằng kim loại.

Bạn có biết

Vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nước có gas được xem như một bài thuốc rất tốt để chữa trị những bệnh về thần kinh như đau đầu, hay dùng để giã rượu, giảm căng thẳng đầu óc. 

Sau đó để phục vụ người sử dụng một cách tốt hơn, nước có gas đã được bổ sung rất nhiều loại hương vị khác nhau và từ đó ngành công nghiệp sản xuất nước ngọt có gas ra đời.

Nguồn: How it made

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày