Phát hiện loài ếch có vuốt sắc như người sói X-men |
Ngón tay của một loài ếch hiếm gặp ở Nhật Bản có khả năng xòe ra vuốt sắc nhọn như nhân vật người sói trong phim X-men. Loài ếch này tên là Otton, chỉ sống ở phía Nam đảo Amami (Nhật Bản).
Loài ếch Otton sở hữu thêm ngón tay thứ 5 với vuốt sắc nhọn ẩn dưới lớp da, có thể đẩy ra ngoài khi cần thiết.
Vuốt nhọn này có ở cả hai giới nhưng những con đực thì móng vuốt trông nổi bật và sắc cạnh hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng “con dao găm” ở ngón tay thứ 5 là bước tiến hóa cho phép những con đực bám chặt vào con cái trong quá trình giao phối.
Mặt khác, từ những vết sẹo trên cơ thể con đực cho thấy đây còn là vũ khí tối thượng, giúp chiến đấu để tranh giành bạn tình mà không giết chết đối thủ.
(Nguồn tham khảo: Datviet)
Tìm ra loài nhện có 8 mắt |
Theo báo "Sinh vật Học viện Hoàng gia Anh", đây là giống nhện tường, trên đầu chúng có một đôi mắt rất to có cấu tạo rất khác thường với lớp giác mạc hình boomerang (giống chữ V) giúp nó phân biệt được hình ảnh với độ phân giải cao, thậm chí nhìn thấy cả tia tử ngoại và nhiều màu sắc khác nhau, đôi mắt được xem là “thấu kính” cố định của chúng.
Nhện tường 8 mắt với 2 mắt lớn ở trên đầu.
3 đôi mắt còn lại thì 2 đôi nằm ở 2 bên, và một đôi nằm ở phía sau, tuy chúng được xem là “mắt phụ” nhưng vẫn có thị lực rất tốt, nhất là trong việc phát hiện những vật thể chuyển động.
Điều đặc biệt là nhện tường không chỉ có thị lực sắc bén mà còn có khả năng "giao tiếp" và rất hiếu kỳ với con người và những gì xung quanh nó.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
Cấu tạo bộ não thay đổi trong các kỳ thi |
Khi bộ não phải làm việc nhiều, thí dụ khi các cô cậu học sinh, sinh viên bước vào đợt thi cử, cấu tạo của bộ não sẽ tự thay đổi để cải tiến việc trao đổi thông tin giữa các vùng khác nhau trên vỏ não.
Kết quả những thí nghiệm của các nhà sinh lý học thần kinh Mỹ với sự tham gia của hàng chục sinh viên đã phát hiện cấu tạo của bộ não có những thay đổi về mặt giải phẫu học tùy thuộc vào cường độ học tập của họ và vào độ khó của những chương trình họ buộc phải kiểm tra.
Khi cường độ làm việc của não tăng lên thì những axon trong chất trắng buộc phải mielin hóa nhiều hơn mới đáp ứng được sự tăng cường trao đổi tốc độ truyền tín hiệu.
Số lượng các tế bào thần kinh đệm (glial cell) cũng tăng lên một cách tương ứng. Sự thay đổi này không chỉ diễn ra trong não khi các học sinh sinh viên học thi mà còn xảy ra tương tự ở tất cả mọi người khi gặp những vấn đề hóc búa mà não phải làm việc căng thẳng.
Theo các nhà sinh lý học thần kinh, hiện tượng tăng cường độ làm việc của não khiến mối liên kết giữa các phần não trán của hai bán cầu cũng như giữa những phần não đỉnh và não trán cũng được đẩy mạnh.
Thông thường, thi cử không chỉ kiểm tra trí nhớ mà chủ yếu là kiểm tra khả năng tư duy, phân tích và vận dụng kiến thức. Chức năng này do bán cầu não trái chịu trách nhiệm.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự liên kết giữa phấn não trán và não đỉnh trên vỏ não có ý nghĩa rất lớn. Khi sự liên kết này không đầy đủ, não phải huy động thêm bán cầu não phải vào cuộc.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)