Vừa qua, các nhà thiên văn học thuộc ĐH Hawaii (Manoa, Mỹ) đã phát hiện ra một
hành tinh "cô đơn" trong Dải Ngân Hà. Sở dĩ hành tinh này có tên "cô đơn" là do vị trí một mình trôi nổi tự do trong không gian.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho hành tinh "cô đơn" này là PSO J318.5-22,
nằm cách Trái đất 80 năm ánh sáng và có khối lượng gấp 6 lần Sao Mộc.
Các chuyên gia thiên văn học đã phát hiện ra hành tinh kỳ lạ này sau khi xác định thấy một vài tín hiệu yếu và khác thường của nó. Tiến hành nghiên cứu sâu hơn, các nhà thiên văn học nhận thấy, PSO J318.5-22 hình thành cách đây 12 triệu năm và được coi là "sơ sinh" nếu tính theo tuổi thọ của các hành tinh khác.
Nhà nghiên cứu Michael Liu làm việc tại Viện Nghiên cứu Thiên văn thuộc ĐH Hawaii (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi chưa từng thấy một vật thể trôi nổi tự do trong không gian nào giống như hành tinh này. PSO J318.5-22 hội tụ các đặc điểm của một hành tinh còn non thường chỉ được tìm thấy xung quanh các ngôi sao trẻ nhưng nó lại một mình lang thang, trôi nổi tự do ngoài kia".
Trong một thập kỷ qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện hàng ngàn hành tinh lạ ở ngoài Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong số đó được ghi ảnh trực tiếp, tất cả đều là những ngôi sao trẻ (được hình thành dưới 200 triệu năm tuổi) và khá mờ nhạt.
PSO J318.5-22 rất mờ nhạt và trôi nổi tự do trong không gian.
Tuy nhiên, PSO J318.5-22 là một trường hợp đặc biệt. Mặc dù là một trong những thiên thể trôi tự do có khối lượng thấp nhất tính đến giờ phút này, nhưng hành tinh trên nhận được nhiều sự chú ý đặc biệt bởi nó sở hữu những đặc điểm cần có của một hành tinh quay quanh các ngôi sao trẻ như màu sắc, khối lượng, độ tỏa nhiệt...
Đồng tác giả nghiên cứu, Niall Deacon của Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức cho biết: "Chúng tôi thường gặp khó khăn khi nghiên cứu các hành tinh được tìm thấy bên cạnh ngôi sao sáng lóa. PSO J318.5-22 không như vậy, nó không bị ánh sáng của ngôi sao trung tâm lấn át. Do đó, việc phát hiện ra hành tinh "cô đơn" này sẽ giúp giới thiên văn học chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn khi nghiên cứu về một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời".
(Nguồn tham khảo: The Guardian/ IFA)