Những yếu tố khiến đồ hàng hiệu không thể mua được bằng tiền

Việt Anh, Theo Mask Online 00:16 07/09/2014
Chia sẻ

Không phải trong mọi trường hợp tiền có thể mua được tất cả mọi thứ ngay lập tức…

“Có tiền mua tiên cũng được” - nhận định ấy có thể đúng, có thể sai tùy theo quan điểm của mỗi người. 

Tuy nhiên, khi vụ việc người mẫu Ngọc Trinh dính nghi án dùng hàng “fake” trở thành đề tài nóng hổi của dư luận, nhiều người tự đặt câu hỏi: liệu cứ có nhiều tiền là sẽ mua được tất cả các loại đồ hiệu đắt tiền hay không? Trên thực tế, câu trả lời là Không.
 
Từ những chất liệu hiếm mà tiền khó mua nổi…
 
Phần lớn túi xách hàng hiệu được làm từ những nguyên liệu đắt tiền như da động vật, và có gắn vàng, kim cương... Thế nên, giá trị của chúng tỉ lệ thuận với mức độ quý hiếm. 





Điển hình như việc chọn da của động vật để làm phần da túi. Da của động vật được chọn làm túi được tính toán chi tiết tới việc lấy da của chi nào thuộc loài nào một cách cụ thể.
 
Vì vậy, không ít loại túi chỉ có thể sản xuất với số lượng có hạn bởi loài cung cấp da túi là động vật quý hiếm. Có thể kể tới như chiếc túi mới nhất của thương hiệu Hermes với cái tên Matte Himalayan Nilo Crocodile Birkin Bag được làm từ da cá sấu bạch tạng cực hiếm. Do đó, để mua được sản phẩm này, không phải chỉ cần có tiền là bạn sẽ mua được.

 

Chiếc Matte Himalayan Nilo Crocodile Birkin Bag của Hermes với chất liệu có 1-0-2 đang trở thành cơn sốt của những tín đồ hàng hiệu.

 

Do số lượng cá sấu bạch tạng rất hiếm nên không phải cứ có nhiều tiền là mua được chiếc túi trên.

Điều tương tự cũng xảy ra với các loại đồng hồ hàng hiệu, nhất là đối với các sản phẩm được nạm kim cương, đá quý với kích thước lớn. 



Điển hình như Rolex sản xuất không ít mẫu đồng hồ với số lượng hạn chế như Rolex Chronograph 1942 trên thế giới chỉ có 12 chiếc duy nhất. Những báu vật này có lẽ dù có là triệu phú cũng khó lòng thuyết phục chủ nhân của chúng để mua lại.

… tới quy trình sản xuất túi hàng hiệu không thể rút ngắn bằng tiền…
 
Có thể khẳng định một đặc điểm chung ở tất cả các thương hiệu uy tín trên thế giới về túi xách như Gucci, Hermes, Louis Vuitton… đó là chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, các nhãn hàng lớn này trong mọi hoàn cảnh đều chú trọng tới các công đoạn của quá trình sản xuất.
 
Thông thường, những chiếc túi hàng hiệu được thiết kế tỉ mỉ qua nhiều bước: vẽ trên giấy, chọn chất liệu da, làm demo sau đó mới được đem vào quy trình sản xuất hàng loạt.
 
 
Tại xưởng, hầu như các chiếc túi hàng hiệu sẽ được làm bởi những nghệ nhân có tay nghề ít nhất 15 – 20 năm. Đặc biệt, nhiều dòng túi cao cấp của các thương hiệu lớn như Hermes được làm thủ công hoàn toàn. Do đó, áp lực lên các thợ làm túi là rất cao. 


Tất cả các công đoạn, từ cắt da, nhuộm màu cho tới may từng mũi kim đều được tính toán cẩn thận trước khi thực hiện. Chỉ tính riêng việc hoàn tất đường khâu của một chiếc túi cũng đã mất tới 2 ngày tập trung làm việc của một thợ lành nghề. 
 

Túi xách hàng hiệu sau khi được may xong hoàn chỉnh cũng chưa thể xuất xưởng ngay lập tức mà phải trải qua công đoạn kiểm tra. 


Với một số thương hiệu danh tiếng, chiếc túi sẽ phải chịu được khoảng 3 ngày ở nhiệt độ 60 độ C và độ ẩm 95% hay thậm chí, sẽ có người đếm số đường kim khâu trên mỗi chiếc túi, nếu thừa hay thiếu dù chỉ một mũi thì chúng sẽ đều bị hủy và làm lại.
 
 
Như vậy, tổng thời gian làm ra một chiếc túi hàng hiệu cũng lên tới cả tuần, cả tháng. Thậm chí với những chiếc túi đặt riêng, thời gian chờ đợi còn lên tới hàng năm. Quá trình này không thể rút ngắn bằng cách sử dụng tiền hay bất cứ điều gì khác. 
 
… và chính sách bán hàng không thể bị mua chuộc
 
Bên cạnh quá trình sản xuất đề cao chất lượng, rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới áp dụng chính sách bán hàng vô cùng nghiêm ngặt. Theo đó, dù là khách VIP hay khách thường, cửa hàng vẫn có những quy tắc không thể phá vỡ. 

Chẳng hạn, dù bạn là các siêu sao nổi tiếng, tỉ phú hay nguyên thủ quốc gia, bạn không thể yêu cầu cửa hàng mở cửa riêng để đón tiếp mình được nếu không có lý do chính đáng. 
 
Cửa hàng Hermes ở Paris - một trong những địa chỉ có chính sách bán hàng nguyên tắc có tiếng.

Điển hình là Hermes với câu chuyện vui liên quan tới ca sĩ Madonna. Cụ thể, cửa hàng Hermes tại Paris đã từ chối yêu cầu của siêu sao này khi cô muốn tới mua sắm ở đây lúc 11 giờ 30 phút tối sau chuyến lưu diễn ở Paris. 

Một nhân viên chăm sóc khách VIP của cửa hàng thậm chí từng nói rằng ngay cả cựu tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy muốn mua túi Hermes cũng phải đi shopping trong giờ mở cửa (từ 10 giờ 30 phút sáng tới 6 giờ 30 phút chiều).
 
Ngay cả siêu sao Madonna cũng bị từ chối bán hàng nếu không đến đúng giờ cửa hàng mở cửa.
 
Một ví dụ khác đó là hãng thời trang danh tiếng Gucci. Theo giới thạo tin, mỗi năm thương hiệu này chỉ nhận làm từ 8  - 10 túi xách, quần áo mang dấu ấn cá nhân với giá thành rất cao lên tới 7 tỷ đồng/sản phẩm. 


Vì vậy, nếu chậm chân, gần như chắc chắn bạn sẽ phải đợi cả năm trời mới có thể sở hữu một chiếc túi hàng hiệu của Gucci.

Rõ ràng, đồng tiền có sức mạnh vô cùng to lớn. Tuy nhiên, thời gian cũng như uy tín thương hiệu thì có bao nhiêu tiền cũng khó có thể mua nổi. 

(Nguồn: Belisi, Gleni, Business Insider...)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày