Trí nhớ là một chức năng thiết yếu của
não bộ, được vận dụng không ngưng nghỉ trong hầu hết cuộc đời. Vì thế, ta luôn cần giữ gìn và bảo dưỡng chức năng quý báu này. Trong cuộc sống có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm trí, bộ nhớ của chúng ta "hiển nhiên" đến mức chúng ta nhiều khi không nhận ra.
Cùng điểm lại một số yếu tố "ai cũng biết, nhưng ít ai quan tâm" ảnh hưởng trực tiếp tới não bộ và các hoạt động liên quan của con người...
1. Chế độ ăn uống chi phối trí nhớ
Cách bạn ăn uống như thế nào không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thể chất mà còn tác động lớn đến tinh thần. Một chế độ ăn hợp lý giúp cải thiện sức khỏe, trí óc của chúng ta.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, một chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa hoặc đường có thể cản trở khả năng tìm hiểu, lưu giữ thông tin, nghiêm trọng nhất là mất trí nhớ và gây viêm não.
Ngược lại, một chế độ ăn uống nghèo nàn có thể làm giảm nồng độ của DHA trong não - một chất rất quan trọng trong quá trình hình thành ký ức.
Cách tốt nhất để cải thiện điều này chính là điều chỉnh lại chế độ ăn uống và tăng tiêu thụ omega-3 giúp bổ sung DHA. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp chúng ta không chỉ có một cơ thể khỏe về thể chất mà còn mạnh về tinh thần.
2. Học nhiều ngôn ngữ giúp cải thiện bộ não
Học thêm một ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt là khi còn nhỏ đã được chứng minh là có lợi ích suốt đời. Sau khi tiến hành điều tra nhiều đối tượng ở mức tuổi khác nhau, các nhà khoa học Mỹ kết luận, nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ có thể trì hoãn sự sa sút về trí tuệ.
Một dự án tại ĐH Bangor (Anh) đã được lập ra để tìm hiểu lợi ích của việc thạo hai ngoại ngữ. Kết quả cho thấy rằng: chính việc có thể nói, nghe, nghĩ được bằng hai ngôn ngữ hàng ngày làm tăng khả năng chú ý đối với mọi thứ xung quanh, giúp chúng ta làm việc, phân tích thông tin có tính phức tạp tốt hơn.
Đồng thời nghiên cứu đã được thực hiện cũng chỉ ra, việc thạo hai ngôn ngữ giúp cho não bộ đỡ bị lão hóa, giảm thiểu việc mất trí nhớ khi về già.
3. Ghi điều cần làm vào giấy nhớ giúp duy trì bộ nhớ
Viết một cái gì đó vào giấy là một cách trực quan để giúp bạn ghi nhớ. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ ĐH bang Ohio (Mỹ) cho biết, cách bạn đối xử với những mảnh giấy sau đó cũng có một tác động rất lớn lên việc duy trì bộ nhớ.
Nếu người viết ra những việc cần làm vào giấy nhớ, sau đó để tạm vào 1 chỗ, khả năng ghi nhớ của họ về công việc sẽ giảm đi rất nhiều. Ngược lại, nếu họ gấp mảnh giấy lại gọn gàng, giữ cẩn thận, thì dù không cần đọc, điều cần ghi nhớ vẫn lưu lại trong não và giúp họ thực hiện công việc đúng giờ.
Giữ những tờ giấy nhớ trên bàn thay vì ném chúng đi sau khi sử dụng còn có hiệu quả rất tốt trong việc duy trì trí nhớ.
4. Cảm giác đau làm con người bớt mặc cảm về những gì đã xảy ra
Ít người biết rằng, việc tự làm đau mình có thể làm giảm bớt cảm giác tội lỗi khi nhớ về một hành động xấu hay nỗi đau lớn.
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người viết về khoảng thời gian họ phải chịu đựng nỗi đau hay đã làm việc gì đó tội lỗi. Những người tham gia thí nghiệm được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu được yêu cầu nhúng khuỷu tay vào nước đá, trong khi các thành viên của nhóm hai thì không.
Nhóm thứ ba chỉ được yêu cầu viết về những sự việc hàng ngày, sau đó nhúng tay vào nước đá. Khi được đánh giá về các hành động trong quá khứ của họ, nhóm một có xu hướng ít cảm thấy tội lỗi và đau khổ hơn.
Điều thú vị là những người đã viết về một cái gì đó xấu thực sự giữ tay trong nước lâu hơn mặc dù họ cảm thấy buốt hơn nhiều so với những người còn lại.
Các nhà khoa học suy đoán rằng, con người sẽ tự làm chính mình đau thêm khi họ cảm thấy tội lỗi hoặc đau khổ. Điều này sẽ giúp họ bớt mặc cảm về sự việc đã xảy ra.
Tất nhiên, điều này có thể gây ra những hệ lụy cho con người khi trầm cảm: tự làm đau chính mình, gây tổn thương cơ thể.
5. Phông chữ "loằng ngoằng" kích thích trí não
Khi học, bạn có thể ghi nhớ thông tin tốt hơn khi nó được trình bày trong một phông chữ ấn tượng, bất thường hoặc khó đọc. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học từ ĐH Princeton và ĐH Indiana (Mỹ).
Họ đã tiến hành thí nghiệm để kiểm tra ảnh hưởng của phông chữ trong học tập. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đọc một đoạn thông tin trong 90 giây với hai phông chữ có độ phức tạp khác nhau. Kết quả là những người hấp thụ các thông tin qua phông chữ phức tạp có thể nhớ lại nội dụng nhanh và lâu hơn những người còn lại.
Vì thế, các nhà khoa học kết luận, việc đọc một phông chữ phức tạp yêu cầu sự tập trung cao độ hơn rất nhiều và phải đọc đi đọc lại nhiều lần, qua đó kích thích trí não lưu giữ những thông tin thu được lâu hơn.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn Cracked, Livescience, Discovery News...
Bạn có thể xem thêm: