Thông thường, người ta thường đánh giá trí thông minh của một người dựa vào kết quả điểm số, trình độ học vấn, các bài test IQ… nhưng điều này không hẳn chính xác bởi trí thông minh còn bao gồm nhiều yếu tố, kĩ năng đi kèm.
Cho tới nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi nhằm tìm ra một định nghĩa chính xác cho “trí thông minh”. Nhưng thay vì ngồi tranh luận cả ngày về vấn đề đó, hãy thử khám phá 4 cách thức theo các nghiên cứu khoa học dưới đây.
1. Thiền định
Thiền định cổ xưa thường gắn liền với các nhà sư, đạo sĩ - những người tu luyện để đạt tới sự giác ngộ, tĩnh tâm tuyệt đối. Nó mang lại cho họ tất cả: sự thư thái, thoải mái, bình yên.
Ngày nay, các nhà khoa học còn chứng minh được rằng, thiền định giúp phát triển sự tập trung, chú ý của não bộ bên cạnh lợi ích thư giãn.
Nghiên cứu quét MRI (chụp cộng hưởng từ) còn khẳng định, thiền định hàng ngày sẽ làm tăng đáng kể trí thông minh, trí nhớ lâu hơn, kích thích sự phát triển một số bộ phận của vỏ não.
2. Chơi những trò chơi thông minh
Giống như nhiều bộ phận của cơ thể con người, não cũng cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sức mạnh và sức sống. Thường xuyên chơi các trò chơi “hại não” như Sudoku, câu đố, ô chữ… là một cách thức tuyệt vời để kích thích sự phát triển trí thông minh của bản thân.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở các liên kết thần kinh. Khi bạn giải được một bài tập, câu đố, ô chữ nào đó, trong não sẽ hình thành một số liên kết thần kinh. Khi gặp lại, đối mặt với các vấn đề tương tự, bạn sẽ cảm thấy giải quyết vấn đề dễ dàng hơn. Nói cách khác, phương pháp này giúp bạn tư duy nhanh hơn, phản ứng nhạy bén và chính xác hơn.
Nếu cảm thấy những trò chơi này quá học thuật và không thích thú với chúng, thi thoảng, bạn hãy thử thay đổi các thói quen như đánh răng, vẽ, hoặc làm mọi việc bằng tay không thuận... đó cũng là một bài tập bắt não vận động rất tốt đấy!
3. Tiếp xúc với... vi khuẩn
Tháng 6/2010, sau khi tiến hành thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tại trường Sage (Mỹ) đã phát hiện một loại vi khuẩn ở chuột có thể kích thích trí thông minh - Mycobacterium vaccae.
Những con chuột sở hữu loại vi khuẩn này dễ dàng thoát khỏi mê cung thí nghiệm hơn so với các con chuột thường. Lượng serotonin - hormone kiểm soát tư duy bậc cao trong não cao hơn mức bình thường, và chúng cũng ít khi sợ hãi.
Các vi khuẩn này có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào thần kinh ở loài vật mà nó tiếp xúc, nhưng chúng lại chỉ sống trong điều kiện bụi bặm, bẩn mà thôi.
Vậy để thông minh hơn, chẳng lẽ chúng ta nên sống bẩn như chuột? Câu trả lời là không. Thay vào đó, các nhà khoa học khuyên rằng, làm những công việc chân tay, làm vườn, đi dạo trong rừng… ở mức độ thích hợp cũng sẽ giúp con người trở nên thông mình hơn do khả năng tiếp xúc với loại vi khuẩn nói trên cũng cao hơn.
4. Ngủ đủ giấc
Ngủ không chỉ là nhu cầu sinh lý bình thường của con người mà trên thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh được tác dụng của việc ngủ trong phát triển tư duy, kích thích trí thông minh.
Trong giấc ngủ, não con người vẫn hoạt động chứ không hề nghỉ ngơi như mọi người lầm tưởng. Khi đó, não làm công việc sắp xếp lại trong bộ nhớ các vấn đề, sự kiện xảy ra trước khi ngủ một cách thích hợp, có logic.
Đối với các kiến thức, não đưa chúng từ trí nhớ ngắn hạn tới vùng trí nhớ trung hạn và dài hạn. Vì vậy, nếu có được một giấc ngủ ngon, thường xuyên, đều đặn, các quá trình nói trên sẽ diễn ra trơn tru và tất yếu bạn sẽ thông minh hơn mà không hề nhận ra.
Ngược lại, nếu thức khuya, ngủ không ngon hay ngủ quá nhiều thì các vấn đề, bệnh chứng ở não sẽ trở nên trầm trọng, nguy hiểm hơn. Dù mỗi người có một thời lượng ngủ khác nhau như thông thường, một giấc ngủ đủ đối với người trưởng thành là từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
Bạn có thể xem thêm: