Những "tia hy vọng" của động vật hoang dã

Ái Nhi, Theo 12:08 02/12/2010
Chia sẻ

Nhỏ bé là thế nhưng các con vật đáng yêu dưới đây lại gánh những "trọng trách" nặng nề với các giống loài đang trên đà tuyệt chủng! <img src='/Images/EmoticonOng/20.png'>

Những con vật này không chỉ rất dễ thương mà còn là niềm hy vọng mong manh để đưa giống nòi của nó thoát khỏi nạn tuyệt chủng. Cùng dạo một vòng các sở thú trên thế giới, nơi mà các động vật “sơ sinh” này ra đời nhé!
 
Khỉ Gorilla
 
 
Trong ảnh này là chú khỉ Kajolu, chào đời vào đầu 2010, đang nghịch ngợm trên chiếc giường bằng rơm của mình trong sở thú Munich, Đức. Hiện có tất cả 4 loài khỉ đột nằm trong danh sách bị đe dọa hoặc có khả năng tuyệt chủng của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên.
 
Hiệp hội sở thú và hải dương học thế giới tuyên bố năm 2009 là “Năm của Gorilla” để kêu gọi sự chú ‎ý của xã hội đến những trở ngại mà động vật linh trưởng đang phải đối mặt trong tự nhiên. Bao gồm việc mất môi trường sống, nạn săn bắn, chiến tranh và các bệnh truyền nhiễm. Việc khai thác quặng trái phép cũng "góp phần" phá hủy môi trường sống của các loại gorilla.
 
Gấu trúc
 
 
Hình ảnh của một trong hai chú gấu trúc con, ra đời vào tháng 10 tại vườn thú Madrid, Tây Ban Nha. Cặp sinh đôi này là sản phẩm của việc thụ tinh nhân tạo. Có lẽ một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất và quen thuộc nhất đối với chúng ta chính là hình ảnh chú gấu trúc trên tấm poster của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Theo thông tin của Vườn thú Quốc gia Smithsonian, hiện nay có gần 300 con gấu trúc sống ở các sở thú và được nuôi dưỡng trong các trung tâm chăn nuôi trên thế giới mà hầu hết là ở Trung Quốc.
 
Loài gấu trúc khổng lồ có nguồn gốc ở lưu vực sông Dương Tử ở Trung Quốc và ước tính tại đây chỉ còn khoảng 2.500 loài gấu trúc trong tự nhiên. Vào năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã thành lập hơn 50 khu bảo tồn gấu trúc, bảo vệ hơn 60% số lượng còn lại.
 
Bò vàng Tây Tạng
 
 
Một trong ba chú bò vàng Tây Tạng được sinh ra ở Liberec, Cộng hòa Séc. Bò vàng Tây Tạng, thường được mô tả như loài linh dương, là một loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng, chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc và cùng chia sẻ môi trường sống cùng với các loài khác cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng như gấu trúc.
 
Hổ Siberian
 
 
Con hổ cái Siberian này ra đời tại Vườn thú Henry Doorly ở Omaha, Neb. Loài hổ này có nguồn gốc từ châu Á, trải dài từ Ấn Độ sang Nga. Năm 2006, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), chỉ còn chưa đến 5.000 loài hổ còn lại trong tự nhiên. Mất nơi cư trú và săn bắt trộm là hai trong số những trở ngại lớn nhất với loài hổ hoang dã hiện nay.
 
Báo gấm Amur
 
 
Con báo cái Amur này được sinh ra tại một vườn thú ở Leipzig, Đức. Theo Los Angeles Times, hiện nay có ít hơn 40 loài báo gấm Amur tồn tại trong tự nhiên ở Nga. Báo gấm Amur đang bị đe dọa tới mức đáng báo động do mất môi trường sống và săn bắt trộm để lấy lông.
 
Khỉ trắng mắt xanh
 
 
Con khỉ có màu da trắng và mắt xanh này được sinh ra ở sở thú Bioparco, Rome, Italy. Loài khỉ trắng mắt xanh này được tìm thấy trong những khu rừng mưa ở châu Phi, nơi có những loài linh trưởng bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Theo Vườn thú Quốc gia Smithsonian, nạn phá rừng và hủy diệt môi trường sống để xây dựng làng mạc và săn bắn chính là thủ phạm đằng sau sự suy giảm về số lượng của khỉ mắt xanh ở Ghana và Bờ Biển Ngà.
 
Voi châu Á
 
 
Con voi này được sinh ra tại một vườn thú ở Hanover, Đức. Năm 2010, bốn con voi đã cùng ra đời tại vườn thú này. Hiện có khoảng 30.000 loài voi châu Á (voi Ấn Độ) tồn tại trong tự nhiên – theo Vườn Quốc gia Smithsonian. Môi trường sống bị hủy diệt và nạn săn bắt trộm là nguyên nhân chính góp phần làm suy giảm “dân số” voi châu Á, bất chấp lệnh cấm buôn bán ngà voi có từ năm 1989.
 
Vượn cáo
 
 
Trong bức ảnh là chú vượn cáo 2 tuần tuổi đang bám lấy mẹ tại vườn thú Singapore. Có tất cả 88 loài vượn cáo có nguồn gốc từ Madagascar và phần lớn trong số đó đang bị đe dọa. Vẫn là nạn phá rừng và buôn bán động vật rừng trái phép chính là nguyên nhân đẩy loài vượn cáo tới bờ vực tuyệt chủng.
 
Linh dương Mhorr
 
 
Có nguồn gốc từ Morocco và sa mạc Sahara, linh dương Mhorr là loài có nguy cơ tuyệt chủng bởi sự săn bắn quá mức. Linh dương Mhorr được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 140 cá thể tồn tại trong các vườn thú khác nhau.
 
WWF đã lập trung tâm bảo tồn loài linh dương Mhorr này ở Tây Ban Nha vào năm 1971, nhưng sau đó lại phân chia chúng ra các đàn khác nhau với hy vọng cho chúng có cơ hội sống tốt hơn. Con linh dương Mhorr “sơ sinh” này đã bị mẹ bỏ rơi và hiện đang được nuôi dưỡng tại Vườn thú Budapest, Hungary.  
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày